1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đẩy nhanh vốn vay ưu đãi nông nghiệp công nghệ cao

(Dân trí) - Báo cáo tình hình thực hiện 1 năm Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi vay, đẩy mạnh giải ngân vốn vay cho dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Theo kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ tại Hội Nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra sáng nay 17/5, Bộ KH&ĐT cho biết, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đang được Chính phủ rất quan tâm. Tuy nhiên, số vốn giải ngân trong tổng 100.000 tỷ đồng mà Chính phủ ưu đãi cho người dân, DN vay giải ngân chậm, cơ chế còn khắt khe đối với DN nhỏ, hộ dân.

Các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao đang rất cần lượng vốn đầu tư lớn
Các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao đang rất cần lượng vốn đầu tư lớn

Bộ KH&ĐT đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay nông nghiệp công nghệ cao theo đúng quy định từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay thuộc gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, giảm các thủ tục nhằm tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận với khoản vay, lãi vay tốt hơn.

Thực tế, gói 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao được đưa ra tháng 3/2017 theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với NHNN. Ngay sau đó, NHNN và Bộ Nông nghiệp đã thực hiện thí điểm cho vay ở các DN được cấp chứng nhận đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Ngày 24/4, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ.

Về lãi suất cho vay, ngân hàng thương mại cho vay với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của khách hàng để thực hiện chương trình với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn. Nguồn vốn cho vay chương trình do các ngân hàng cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường để thực hiện.

Về tài sản bảo đảm, ngân hàng thương mại và khách hàng thỏa thuận việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp với quy định của pháp luật. Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định.

Tính đến đầu tháng 5/2017, theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay trong gói 100.000 tỷ đồng các ngân hàng đã lên đến 26.000 tỷ đồng (đạt hơn 26%).

Tuy nhiên, theo nhiều ngân hàng, do vướng quy định về giới hạn tín dụng của NHNN nên các ngân hàng hiện vẫn dè dặt cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, trừ những trường hợp được Bộ Nông nghiệp cấp chứng nhận.

Bên cạnh đó, do là nguồn vốn vay lấy từ nguồn vốn huy động cân đối của các ngân hàng, nên hiện khá nhiều ngân hàng lo ngại tỷ lệ cho vay cho nông nghiệp công nghệ cao làm tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và phá vỡ giới hạn an toàn tín dụng theo các quy định của NHNN.

Đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, dù NHNN không yêu cầu các khoản vay cho nông nghiệp công nghệ cao phải có tài sản đảm bảo; nhưng do lo ngại tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu, rủi ro mất vốn nên vẫn có tình trạng DN khó tiếp cận vốn vay dù có phương án kinh doanh tốt. Ngoài ra, quy định lãi suất khoản vay thấp hơn 0,5% - 1,5% lãi vay thông thường ở các kỳ hạn nhưng bối cảnh hiện nay DN lo ngại lãi vay thông thường tăng, khiến lãi vay cho nông nghiệp bị đẩy lên.

Ngoài kiến nghị trên, Bộ KHĐT cũng đang xây dựng Dự thảo Nghị định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, sẽ khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp quy mô lớn, chuỗi hàng hoá, xây dựng vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ hiện đại với mức hỗ trợ thấp nhất là 200 triệu đồng, cao nhất là 10 tỷ đồng.

Nguyễn Tuyền