1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Nam

Đậu phộng lép hạt, nông dân điêu đứng, thất thu

(Dân trí) - Đang vào mùa cao điểm thu hoạch đậu phộng (lạc) nhưng nông dân trồng đậu tại Gò Đình (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) lại hoang mang khi hơn 50% số đậu thu hoạch được lại bị lép hạt. Điều đáng nói là giữa nông dân và cơ quan chức năng lại có những lý giải về nguyên nhân khác nhau.

Cánh đồng Gò Đình có diện tích khoảng 90ha, là nơi canh tác, sản xuất hoa màu của người dân Điện Phong từ xưa đến nay. Quanh năm trù phú với nhiều loại cây hoa màu cho năng suất cao, nhưng hiện nay, nhiều ha đậu phộng của người dân đang rơi vào cảnh mất mùa nghiêm trọng. Giữa nông dân và cơ quan chức năng đang có những ý kiến, cách lý giải khác nhau cho vấn đề này.

Nông dân đổ tội do giống kém chất lượng

Theo những người dân địa phương cho biết, hiện tại họ đang canh tác giống đậu L14 do Viện Khoa Học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) duyên hải Nam Trung Bộ lần đầu tiên khuyến khích áp dụng trên cánh đồng Gò Đình. Nhưng hơn 50% số đậu thu hoạch được lại bị lép hạt, đa phần các gốc đậu được người dân nhổ lên có nhiều trái khá to nhưng bên trong chỉ toàn hạt lép.

Đậu phộng lép hạt, nông dân điêu đứng, thất thu - 1

Ông Dương Tấn Đạt (trú thôn Cẩm Phú 1, xã Điện Phong, Điện Bàn) cho biết: “Năm nay, chúng tôi không ngờ lại rơi vào cảnh mất mùa, nhiều gốc đậu phộng nhổ lên trái to nhưng bên trong toàn hạt lép. Bao nhiêu công chăm sóc, tưới tiêu mỗi hộ thiệt hại cũng hơn 10 triệu đồng, con cái ăn học chưa biết tính sao”.

Trong khi đó, ông Đạt cho biết, người dân còn canh tác giống đậu cũ lại thu hoạch khá đạt, còn người áp dụng giống mới L14 thì lại rơi vào cảnh thất thu. Nhiều hộ chỉ thu hoạch được 20-50%, có hộ còn mất trắng.

Khá nhiều hộ dân trồng giống đậu L14 tại Gò Đình cũng rơi vào cảnh mất mùa nghiêm trọng, 1 sào đậu chỉ thu hoạch được chừng gần 1 triệu đồng, giá bán ra không đủ bù lại thiệt hại.

Sau khi thu hoạch đậu phộng không đạt, người dân chuyển sang cây trồng khác
Sau khi thu hoạch đậu phộng không đạt, người dân chuyển sang cây trồng khác

Ông Nguyễn Khai (trú Đội 4, thôn Cẩm Phú 1, xã Điện Phong) buồn bã: “Gia đình tôi tham gia dự án cánh đồng mẫu với 7 sào đậu phộng. Mới thu hoạch được 2/3 nhưng đa phần lép hạt, số còn lại tôi chẳng thiết tha gì nữa, vừa mất công tưới tiêu, chăm bón nhưng sản lượng chẳng là bao. Theo nông dân chúng tôi, giống mới này không hiệu quả và không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Trong khi giống cũ nhiều người trồng đạt, ai trồng giống mới đều thiệt hại”.

Ông Nguyễn Bông (Cẩm Phú 2) cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 1 sào đất nên không chuyển qua trồng cánh đồng mẫu. Nhưng không ngờ, những người trồng giống cũ như tôi lại đạt trái, còn người trồng giống mới lại thua lỗ. Nghe nhiều người buồn bã kể chuyện, dù không phải của mình nhưng tôi cũng xót lắm. Bao mồ hôi công sức bỏ ra đến mùa thu hoạch lại ê chề như vậy, hy vọng mùa tới chúng tôi sẽ khấm khá hơn”.

Theo bà con cho biết, từ tháng 11 Âm lịch vừa rồi, người dân được khuyến khích tham gia trồng cánh đồng mẫu, chỉ trồng mỗi đậu phộng không xen canh cây khác. Vậy nên, nông dân càng rơi vào cảnh bế tắc bởi nếu trồng xen canh mất mùa cây này còn có cây khác bổ trợ.

​ Nhiều ruộng đậu đến kỳ thu hoạch lại lép hạt, người dân chán nản bỏ không ngoài ruộng
​ Nhiều ruộng đậu đến kỳ thu hoạch lại lép hạt, người dân chán nản bỏ không ngoài ruộng

Nhiều người phản ánh, họ được đối tác giống đậu L14 cam kết bao tiêu sản phẩm bằng cách mua đậu tươi với giá từ 9-11 ngàn/kg, nhưng hiện nay công ty lại yêu cầu người dân phơi khô để bán. Vì vậy, nhiều người nông dân bắt đầu e ngại và không còn mặn mà với các giống bắp, đậu xanh mà đối tác là Viện KHKTNN cung cấp trong vụ hè thu sắp tới nữa.

Cơ quan chức năng: Lỗi do kỹ thuật chăm sóc không đạt

Trong khi đó, lý giải về tình trạng đậu phộng lép hạt, các cấp quản lý, lãnh đạo lại đưa ra lý do là do kỹ thuật canh tác của người dân không đảm bảo khiến sản lượng không cao. Bên cạnh đó, nhiều người dân tuồn hàng bán cho thương lái dẫn đến việc doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm không đủ sản lượng để cung ứng theo cam kết ban đầu.

Ông Phạm Thành Chung - Trạm trưởng Trạm khuyến nông, khuyến lâm thị xã Điện Bàn cho biết: “Các vụ trước người dân trồng giống cũ không vấn đề gì, nên khi xảy ra sự việc người ta lại cho rằng đây là do L14. Trên thực tế, nhiều người không sử dụng L14 vẫn mất mùa và một số địa phương khác như Thăng Bình người dân xuống giống sớm, tưới tiêu hợp lý nên vẫn đạt sản lượng cao khi canh tác giống L14”.

Ông Dương Hiển Công - Phó chủ tịch phụ trách kinh tế xã Điện Phong - cho biết: “Giống đậu mới này nhiều ngày hơn so với giống cũ, cần lượng nước gấp đôi. Thời tiết năm nay hanh khô khiến tâm lý người dân chủ quan không tưới tiêu hợp lý, dẫn đến lép hạt.

Clip người dân thu hoạch đậu phộng thất bát

Lãnh đạo xã Điện Phong cũng cho rằng, lúc triển khai đợt 1 (tháng 11 Âm lịch) thu hoạch vẫn đạt, nhưng sang đợt 2,3 (sau tháng 11 Âm lịch) thì lại xảy ra tình trạng mất mùa. Xã vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình chăm sóc người dân, đến cận ngày thu hoạch chính quyền địa phương dùng loa phóng thanh để kêu gọi người dân tưới nước.

Theo ông Công, ai cũng muốn đem điều tốt đẹp đến với dân nhưng địa phương 3 năm nay không có lũ lụt, lượng phù sa bồi đắp không có, độ ẩm khu vực Gò Đình giảm sút nghiêm trọng. Do đó, đất đai không được màu mỡ như trước, các cây trồng khác như dưa hấu, lúa... cũng mất mùa chứ không riêng gì đậu phộng.

Chấp nhận mua giá cao, bù tổn chi phí cho nông dân

Về đầu ra sản phẩm, ông Công cho biết đối tác vẫn làm đúng như thỏa thuận, nhưng vấn đề ở chỗ người dân thu hoạch lẻ tẻ không tập trung rất khó trong việc thu mua. Vừa qua, đến ngày thu hoạch nhưng đối tác cũng chỉ thu mua được hơn 4 tấn, xe hàng phải chờ đến 4 ngày, đậu tươi hầu như mốc rất nhiều nhưng vẫn không đủ 10 tấn để chở.

Phía đối tác chấp nhận mua với giá đã thỏa thuận vì biết tình hình mùa màng không thuận lợi, nhưng nhiều người dân lại bị tiểu thương kích giá lên cao (họ chỉ mua số lượng ít, hạt đậu lại lép ép dầu ít nhưng không biết họ mua làm gì) khiến tình hình rất lộn xộn.

Ông Công cũng cho biết, UBND xã Điện Phong cũng đã đưa ra nhiều phương án nhằm hỗ trợ người dân, cụ thể: chỉ đạo HTX Điện Phong thu mua toàn bộ số nông sản của người dân kể cả hạt không đạt, sau đó sàng lọc lại bán cho đối tác và chấp nhận bù lỗ. Giá đậu tươi trước kia là 9-11 ngàn/kg, khi phơi khô tính giá 28 ngàn/kg.

Trạm khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn cũng tìm giải pháp hỗ trợ bằng cách tăng mức hỗ trợ tiền giống từ 50% lên 60%, chấp nhận mua giá cao hơn để bù tổn chi phí cho dân… Xã còn sẵn sàng mang máy thu hoạch đậu hỗ trợ thu hoạch cho dân, sau khi thu hoạch xong sẽ gọi người dân đến cân ký rồi tính toán tiền.

Trả lời về vấn đề không xen canh như địa phương khác, ông Công cho hay: “Vì chúng tôi có mua máy thu hoạch đậu cho người dân, nhưng máy lại to cồng kềnh nếu trồng xen canh cây khác với đậu khi thu hoạch có thể giẫm nát, gây thất thoát cho cây trồng khác. Và đây là cánh đồng mẫu, nếu trồng tập trung sẽ dễ quản lý, đến kỳ thu hoạch lại tiện lợi”.

N.Linh - C.Bính

Đậu phộng lép hạt, nông dân điêu đứng, thất thu - 4