1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phú Thọ:

Đất nông nghiệp bị "bức tử" vì khoáng sản

(Dân trí) - Tình trạng khai thác khoảng sản tràn lan với nhiều sai phạm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang truy bức cuộc sống của người dân. Hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp bị vùi lấp, môi trường ô nhiễm, đường sá bị phá hủy.

"Bức tử" gần 50 nghìn m2 đất nông nghiệp
 
Mặc dù không có giấy phép xây dựng, không có biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào khai thác, không cung cấp được thiết kế mỏ cũng như hợp đồng với tổ chức, cá nhân đủ tư cách để thu gom, xử lý chất thải nguy hại…nhưng Công ty TNHH đầu tư kinh doanh khoáng sản Việt Phú Thọ vẫn ngang nhiên hoạt động khai khoáng trên địa bàn xã Văn Luông - Tân Sơn - Phú Thọ trong thời gian dài.

Sự việc chỉ được "vén màn" khi hệ thống hồ chứa, hồ lắng của Công ty không đảm bảo an toàn, cuốn đất đá xuống, vùi lấp hơn 47.000 mét vuông đất nông nghiệp ba vụ, là tài sản chính của người dân khu Đép, khu Lũng thuộc xã Văn Luông (Tân Sơn). Sau khi người dân phản ánh, các cơ quan chức năng mới kiểm tra và phát hiện hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp này.
 
Theo nhiều người dân sở tại, kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động từ năm 2010 đến nay, làng xóm vốn yên bình bỗng biến thành bãi công trường máy móc với đầy các loại như máy xúc, máy ủi thi nhau bạt núi, đào, xúc, sàng, tuyển quặng suốt ngày đêm. Không chỉ bị tra tấn bởi tiếng ồn, khói bụi mà hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của người dân bỗng nhiên bị cuốn phăng vì hoạt động khai khoáng này.  

Chỉ tay vào hệ thống đập mới được đắp lại của Công ty sau những trận mưa, bão hồi tháng 6-7 năm 2012, bà Nguyễn Thị X, khu Đép kể lại: Sự việc đỉnh điểm là vào năm 2011, khi cơn bão số 5 ấp đến bản làng, bùn đất từ hồ chứa xối xuống, theo khe Đồng Trám và Đồng Quán tràn vào ruộng lúa của dân khiến nhiều chân ruộng 2 vụ, lúa đang tốt bời bời không còn cấy được nữa. 

Đất nông nghiệp bị bức tử vì khoáng sản
Sai phạm trong khai thác khoáng sản tại Phú Thọ khiến hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp bị vùi lấp, môi trường ô nhiễm, đường xá bị phá hủy.

Theo Báo cáo của UBND xã Văn Luông, do hệ thống hồ chứa, hồ lắng của Công ty không đảm bảo, đã khiến cho mưa cuốn theo đá, sỏi xô lấp 47.638 mét vuông đất canh tác của 2 khu Đép và Lũng, làm bà con thất thu mùa vụ. 

Việc gây thiệt hại cho người dân không thể chối cãi là vậy nhưng khi người dân kiến nghị đòi bồi thường thì Công ty cũng đồng ý hỗ trợ nhưng liên tục thất hứa.

Bức xúc với việc thất hứa của Công ty TNHH đầu tư kinh doanh khoáng sản Việt Phú Thọ, bà con hai khu đã liên tiếp có nhiều kiến nghị. Ngày 28/12/2012, UBND xã Văn Luông đã mời Công ty đến làm việc, thống nhất giải quyết một số vấn đề mà công ty đã hứa trong lần làm việc đầu tiên với dân. Tuy nhiên, Công ty vẫn làm ngơ trước những kiến nghị của UBND xã và các hộ dân.

Tiếp tục, ngày 12/3/2013, UBND xã và Công ty lại có buổi làm việc lần thứ 2. Tại buổi làm việc, 2 bên đã cùng thống nhất giải quyết dứt điểm việc chi trả tiền hỗ trợ cải tạo đất cho bà con nhân dân khu Đép và hỗ trợ tiền thiệt hại về hoa mầu vụ mùa năm 2012. Thời gian thống nhất trả tiền là trong tháng 3/2013. Tuy nhiên sau lần làm việc này Công ty vẫn chây ỳ, cố tình không thực hiện lời hứa với dân và chính quyền xã Văn Luông.

Mới đây, công ty đồng ý bồi hoàn cho người dân chia làm 3 mức. Mức thiệt hại nhẹ và thiệt hại nặng chỉ được hỗ trợ 150 nghìn/sào. 7 hộ nằm trong danh sách mất đất canh tác vĩnh viễn cũng chỉ được doanh nghiệp này chi trả tổng cộng 2,5 triệu đồng để tự chia nhau. Theo người dân thì hành động trên chẳng khác gì bố thí của doanh nghiệp với người dân.

Ông Nguyễn Thiết Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết: không những chây ì trong hỗ trợ, mà đến nay, hệ thống hồ chứa, hồ lắng của Công ty đã xuống cấp, đập chắn được đắp sơ sài, không đảm bảo cho việc lưu trữ khối lượng lớn đất đá trên khai trường khi bị rửa trôi, do đó, UBND xã và nhân dân rất lo sẽ tiếp tục diễn ra việc xô lũ đất đá gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và diện tích đất canh tác còn lại trong khu vực.

Được biết, ngày 14/5/2013 vừa qua, các cơ quan chức năng huyện Tân Sơn đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Tại biên bản làm việc giữa Công ty và Phòng TNMT, Công an huyện Tân Sơn, lãnh đạo UBND xã Văn Luông, sau khi kiểm tra đã phát hiện hàng loạt các sai phạm của doanh nghiệp như không có giấy phép xây dựng, không có biên bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào khai thác. Doanh nghiệp không cung cấp được thiết kế mỏ, quyết định phê duyệt Giám đốc điều hành mỏ, đặc biệt là không cung cấp được hợp đồng với tổ chức, cá nhân đủ tư cách để thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

Hàng loạt doanh nghiệp phớt lờ sai phạm, đua nhau đào xới khoáng sản 
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, tình trạng sai phạm trên xảy ra không chỉ Công ty TNHH đầu tư kinh doanh khoáng sản Việt Phú Thọ mà còn xảy ra tại nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh. Những sai phạm này đã diễn ra từ nhiều năm nay, mặc dù đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nhưng các doanh nghiệp vẫn không có biện pháp khắc phục, sửa chữa. 

Tại xã Tân Minh - Thanh Sơn, người dân nhiều lần khiếu nại việc hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Đức đã làm thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đến môi trường của xã. Các cơ quan chức năng đã xuống kiểm tra thực địa kết luận: Trong quá trình hoạt động Công ty Phú Đức thực hiện không đúng các quy trình xử lí, việc xúc đổ đất đá khai thác trên khai trường ra bãi thải chưa kịp thời do vậy đất, bùn thải theo nước mưa trôi xuống làm xô lấp 4.300m2 đất của 17 hộ dân. 

UNBD tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định yêu cầu Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Đức tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ sắt xã Tân Minh và đền bù số tiền hơn 134 triệu đồng cho 17 hộ dân.

Tại huyện Yên Lập, Các cơ quan chức năng kiểm tra 3 mỏ khai thác đá Mỏ Mèo Gù, Hang Đùng, Núi Giường của Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty cổ phần Khoáng sản Phú Thọ, Công ty cổ phần Đạt Hưng phát hiện nhiều sai phạm của cả 3 doanh nghiệp.

Các sai phạm như: khai thác chưa đúng quy trình kỹ thuật, đơn vị khai thác không cắt tầng, không khai thác giật cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, quá trình khai thác còn gây ô nhiễm môi trường, quá trình vận chuyển đá làm phá hủy nghiêm trọng hệ thống hạ tầng giao thông trong và ngoài khu vực...

Trước thực trạng khai thác khoáng sản tràn lan như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra 487 cơ sở, phát hiện và xử phạt 205 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 3,6 tỷ đồng. Sở TNMT đã thu hồi giấy phép của 5 doanh nghiệp vi phạm, gây nguy hại môi trường. 

Vào cuộc giải quyết sự việc, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các Sở, ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên khoáng sản trên địa bàn, đồng thời tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản đối với những đơn vị không chấp hành đúng quy trình kỹ thuật, gây tác động xấu đến cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường và làm hỏng hệ thống đường giao thông. 

UBND tỉnh Phú Thọ cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tu bổ, trả lại hiện trạng ban đầu của các tuyến giao thông bị phá hỏng do việc vận chuyển đá, quặng gây ra. 

Anh Thế - Thành Vinh