1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dân ngừng mua xe chờ giảm phí trước bạ, đại lý "méo mặt" lo "đóng băng"

(Dân trí) - Hết hạn cách ly, hầu hết đại lý mở bán xe song xuất hiện tình tiết mới là nhiều khách hàng đang chờ thời điểm phí trước bạ giảm 50% mới xuống tiền mua xe.

Đây là thực tế rất đáng lo ngại đối với các đại lý xe hơi trong nước sau thời gian dài bị "đóng băng" do cách ly xã hội. Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đang muốn kích cầu mua sắm trở lại thì rào cản tâm lý "chờ đợi" của khách hàng khiến cho không ít đại lý "méo mặt" lo sợ thị trường có nguy cơ "đóng băng" lần nữa.

Khách mua xe có tâm lý chờ đợi

Trước đó như Dân Trí đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để trình Chính phủ thông qua.

Trong Dự thảo nói trên, có chi tiết rất đáng chú ý đối với người mua xe là sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ hiện nay cho người mua xe hơi mới, xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Chính sách này áp dụng trong năm 2020.

Dân ngừng mua xe chờ giảm phí trước bạ, đại lý méo mặt lo đóng băng - 1

Người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi chính sách nên các đại lý xe hơi mới gặp khó khăn trong bán hàng

Theo một số đại lý bán xe hơi, hầu hết nhân viên bán xe mấy ngày qua đều nhận được câu hỏi của khách hàng về chính sách trên bao giờ có hiệu lực; Và đại lý có hỗ trợ gì cho khách hàng khi họ mua trước thời điểm được giảm phí trước bạ hay không?

Nếu Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, việc giảm 50% mức phí trước bạ, người mua xe mới lắp ráp, sản xuất trong nước chỉ phải đóng phí trước bạ 5-6% (thay vì 10% và 12% đối với Hà Nội như hiện nay). Từ đó, mức giá lăn bánh đối với xe trong nước có thể giảm từ vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/chiếc.

Các đại lý cho biết, đây là điều mà rất nhiều người mua xe đang băn khoăn, cân nhắc mua xe hiện nay, đặc biệt đối với người mua xe vì mục đích kinh doanh, mua xe trả góp.

Theo quy định hiện hành, sau 10 ngày mua xe mới, người mua xe phải nộp phí trước bạ, sau 30 ngày sẽ phải nộp phí đăng ký xe, biển số. Như vậy, nếu mua thời điểm trước khi chính sách của Chính phủ ban hành, người tiêu dùng không được hưởng ưu đãi.

Trao đổi với Dân Trí, anh Phạm Minh Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh đang có nhu cầu mua chiếc Mazda CX5 mới được lắp ráp trong nước, với mức giá gần 1,1 tỷ đồng. Nếu mua thời điểm hiện nay, mức phí trước bạ có thể là hơn 132 triệu đồng, nhưng nếu mua thời điểm chính sách phí trước bạ giảm 50%, mức phí trước bạ đăng ký xe sẽ chỉ khoảng 66 triệu đồng, mức giảm rất lớn so với thực tế.

"Nếu lâu quá thì vẫn phải mua xe, nhưng tôi nghe nói chính sách Nhà nước áp dụng cho năm 2020, tôi nghĩ sẽ sớm được ban hành thôi. Có lẽ tôi sẽ chờ khi nào chính sách miễn phí trước bạ được áp dụng mới lấy xe", anh Quang nói.

Nếu chính sách bị trì hoãn, việc cứu trợ sẽ phản tác dụng

Thực tế, đối với một số dòng xe, mẫu xe giá rẻ được lắp ráp trong nước, một số đại lý đã áp dụng mức khuyến mại theo % phí trước bạ hoặc miễn toàn bộ phí trước bạ.

Đơn cử, với các mẫu xe nhỏ từ 350 đến 450 triệu đồng bán ra, mức phí trước bạ đối với khách hàng ngoài Hà Nội là 10%, số tiền nộp thêm sẽ dao động từ 35 đến 45 triệu đồng. Mức phí này một số đại lý sẽ ưu đãi trực tiếp 50% cho khách hàng, tuy nhiên cũng chỉ áp dụng cho các loại xe cần đẩy mạnh doanh số.

Trong khi đó, thị trường xe nhập mới hiện không có nhiều biến động, do Việt Nam mới trải qua thời điểm dịch bệnh hoành hành, khách mua xe còn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước đây.

"Xe nhập không được giảm phí trước bạ và có thể sẽ có giá bán ra cao hơn nếu Chính phủ giảm hoặc miễn thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Đây là thách thức khiến các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh bằng giá, nội thất hoặc chất lượng", anh Minh, chủ đại lý chuyên bán xe nhập khẩu tại Tố Hữu cho hay.

Theo các đại lý xe hơi, các hãng và đại lý đang chờ Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, nếu việc ban hành Nghị quyết chậm, dẫn đến chính sách liên quan cũng chậm theo, người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi, trì hoãn mua xe. Như vậy, sẽ khiến mục tiêu kích cầu thị trường không đạt, đại lý xe hoặc doanh nghiệp xe nội sẽ càng thêm khó khăn hơn.

“Tâm lý chờ đợi của khách hàng đang khiến chúng tôi khó khăn sau khi mở cửa trở lại sau dịch Covid-19”, anh Minh nói.

Hiện nhiều đại lý xe hơi kỳ vọng trong tháng 5 Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết nói trên và các chính sách hướng dẫn thực hiện như Nghị định hoặc Thông tư sẽ được ban hành trong tháng 6. Có như vậy, doanh nghiệp, đại lý xe nội mới dễ dàng trong chiến lược kinh doanh xe 6 tháng tiếp theo.

Nguyễn Tuyền