1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dàn lãnh đạo "chóp bu" Oceanbank bị bắt: Hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng

(Dân trí) - Nhìn nhận về việc cựu Chủ tịch PVN bị bắt mới đây do liên quan đến sai phạm tại Oceanbank, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là hậu quả của thời gian phát triển quá nóng, trong đó có yếu tố liên quan tới việc các Tập đoàn của Nhà nước đầu tư ngoài ngành.

Oceanbank là một trường hợp phổ thông, phổ biến trong ngành
Ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa bị khởi tố do có liên quan tới sai phạm của ông Hà Văn Thắm tại Oceanbank.

Ngày 21/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt, khám xét đối với ông Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962) - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank đã đồng phạm với Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank trong thời gian là Tổng Giám đốc tại Oceanbank.

Nhìn nhận về sự việc này, TS Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho rằng, đây là hậu quả của thời gian phát triển quá nóng, trong đó có yếu tố liên quan tới việc các Tập đoàn của Nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành như ngành ngân hàng. 

Oceanbank là một trường hợp phổ thông, phổ biến trong ngành
TS Nguyễn Trí Hiếu: "Trường hợp của Oceanbank là trường hợp phổ thông, nhiều ngân hàng vướng vào sai lầm đó"

"Nhìn lại trong quá khứ, cách đây khoảng 20 năm, doanh nghiệp tư nhân có vốn lớn rất ít, chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới có thể đầu tư đa ngành. Tuy nhiên, thời điểm đó, với chính sách hỗ trợ phát triển ngân hàng, Chính phủ khuyến khích đầu tư vào ngành ngân hàng và cho phép đầu tư ngoài ngành nói chung. Tại thời điểm đó là hợp lý nhưng cũng dẫn đến hậu quả là, nhiều ngân hàng nhận được đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước mà không hiểu gì về ngân hàng cả, cũng không phục vụ quyền lợi đại chúng. Dẫn đến hậu quả là ngân hàng yếu kém và nợ xấu lớn như hiện nay”, ông Hiếu nói. 

Phân tích kỹ hơn với trường hợp Oceanbank, thời điểm ông Nguyễn Xuân Sơn giữ vị trí lãnh đạo tại ngân hàng này cũng là thời điểm toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng rất nóng. Tuy nhiên, trong cơ cấu sử dụng vốn vẫn tồn tại những vẫn đề dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững như tiền cho vay ra nền kinh tế không tăng trưởng nhanh, mạnh bằng tiền mang gửi các tổ chức tín dụng khác hay khoản đầu tư chứng khoán, thậm chí cho vay chính công ty, dự án của các ông chủ ngân hàng.

Ông Hiếu cho rằng, Oceanbank là một trường hợp cá biệt trong ngành. Việc sử dụng vốn thiếu hợp lý đã đẩy ngân hàng ra ngoài quỹ đạo chính thống của ngân hàng là huy động tiền của dân chúng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đại chúng. 

"Trường hợp của Oceanbank là trường hợp cá biệt, nhiều ngân hàng vướng vào sai lầm đó, trong đó có cả 3 ngân hàng vừa được NHNN mua lại với giá 0 đồng. Nếu ngân hàng huy động vốn rồi đẩy vào thị trường liên ngân hàng để kiếm lời trong thời gian dài, hoặc đi vào những cái đầu tư rủi ro hoặc tài trợ dự án riêng của cổ đông, của những thành viên của HĐQT thì là hiện tượng các ngân hàng đã đi trật đường, không đi vào đúng quỹ đạo chính”, ông Hiếu khẳng định.

Ông Hiếu cũng cho rằng, những gì đã xảy ra với Oceanbank hay nhiều ngân hàng yếu kém khác có liên quan tới trình độ quản lý của đội ngũ lãnh đạo.

"Khi từ Mỹ về Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều lãnh đạo ngân hàng Việt Nam kinh nghiệm rất mỏng, độ hiểu biết về ngân hàng kém. Như ông Sơn cũng là trường hợp phổ biến về việc nhiều lãnh đạo ngân hàng không đi từ môi trường tài chính ngân hàng mà được bổ nhiệm vào vị trí hàng đầu vì có quan hệ với ông chủ ngân hàng, cổ đông lớn”, ông Hiếu phân tích.

Ông cũng thừa nhận, thực trạng này đã xảy ra ở nhiều ngân hàng và hiện tại cũng còn nhiều ngân hàng trong tình trạng này. Để ngành ngành hàng phát triển bền vững hơn, ông Hiếu cho rằng, cần có sự tái cơ cấu ngay từ nội bộ các ngân hàng, từ bộ máy lãnh đạo, bộ máy quản trị.

"Ngành ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, sáp nhập với nhau. Nhưng tái cơ cấu chỉ về lượng là chưa đủ mà thực chất phải tái cơ cấu bản chất kinh doanh của ngân hàng. Tái cơ cấu phải đặt trọng tâm vào từng ngân hàng, thực hiện bài bản nội dung cải thiện nội bộ các ngân hàng và khả năng quản trị ngân hàng từ đội ngũ lãnh đạo”, ông nói thêm.

 Phương Dung

Oceanbank là một trường hợp phổ thông, phổ biến trong ngành