1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Dân chăm chăm mua vàng, mua đất cho chắc: Huy động vốn trong dân quá khó?

(Dân trí) - Theo GS. TSKH. Võ Đại Lược, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân làm ăn, phát triển mạnh mẽ thì nguồn vốn trong dân mới được huy động được và sử dụng một cách có hiệu quả.

Dân chăm chăm mua vàng, mua đất cho chắc: Huy động vốn trong dân quá khó? - 1

Nhân dịp đầu năm mới Canh Tý 2020, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới về bức tranh kinh tế 2019 và những vấn đề cần lưu tâm trong năm tới.

Kinh tế Việt Nam 2019 được đánh giá là một năm thành công với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt. Ông nhìn nhận thế nào về những “điểm sáng" mà chúng ta đã đạt được?

Tại hội nghị tổng kết cuối năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới nhận định nổi tiếng của World Bank về Việt Nam: Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam.

Tôi cho rằng, đánh giá trên là có căn cứ. Nhìn sang các nền kinh tế trên thế giới, nhiều nước tăng trưởng chỉ ở mức 2-3%, thậm chí có những suy giảm. Tăng trưởng Mỹ chỉ hơn 2%, tăng trưởng kinh tế 2019 của Trung Quốc thấp nhất 30 năm qua, chỉ hơn 6%.

Trong khi đó, Việt Nam nằm trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chưa đến 3%. Tỷ giá ổn định. Dự trữ ngoại tệ mức 80 tỷ USD. Vốn FDI cao kỷ lục. 

Rõ ràng những thành tích chúng ta đạt được là rất đáng khích lệ. Không chỉ kinh tế, chính trị xã hội của chúng ta cũng ổn định, dù cơ bản có việc này, việc khác nhưng về cơ bản vẫn là điểm sáng trong thế giới bất ổn hiện nay.

Tuy nhiên, thành tích có, nhưng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận với nhau về một số hạn chế mà theo tôi, đó là những “điểm vướng" cản trở sức bật của nền kinh tế.

Trước hết, nền kinh tế còn dựa nhiều vào khu vực FDI. Tính chung trong năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 35,8 tỷ USD. Tính gia công của nền kinh tế lớn, giá trị gia tăng thêm còn thấp.

Việt Nam có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP cao nhất thế giới. Với tình hình trên kinh tế Việt Nam có thể dễ dàng bị khủng hoảng do độ mở nền kinh tế quá lớn. 

Thứ hai, trong cơ cấu các doanh nghiệp hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng thấp. Đảng, Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhưng khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhỏ, sức cạnh tranh của nền kinh tế từ đó sẽ yếu kém.

Theo khảo sát của VCCI, tới 60% doanh nghiệp làm ăn không lãi, lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động cũng cao.

Doanh nghiệp nhà nước thời gian qua đã có những bước tiến, dù cải thiện nhưng sức cạnh tranh khó có thể so được với các tập đoàn xuyên quốc gia.

Theo ông, vì đâu sức bật của khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế. Yếu tố nào khiến việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đạt được kỳ vọng dù chúng ta đã xác định vai trò rất lớn của họ?

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng ở đây, điều mà tôi băn khoăn nhất là vấn đề lãi suất. Lãi suất quá cao, chưa kể doanh nghiệp muốn tiếp cận rất khó. Trong khi lãi suất cho vay các nước chỉ 2-3%, thậm chí có nơi lãi suất âm thì Việt Nam 9-10%.

Với đồng vốn vay như vậy, doanh nghiệp cạnh tranh thế nào được? Mức vay ưu đãi thì cũng 5-6% nhưng con số doanh nghiệp được hưởng chẳng thấm vào đâu. 

Chưa kể tỷ giá cũng có vấn đề, lạm phát bình quân 4% nhiều năm nay nhưng đồng bạc mất giá chỉ trong 2%. Đồng Việt Nam đang tăng giá. Trong khi đó, nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Khi lãi suất đồng Việt Nam quá cao, chúng ta cũng cần lường đến việc có dòng tiền mang vào Việt Nam đầu cơ. Tức là họ quy đổi ra tiền Việt, cho vay lãi suất cao. Chưa có ai nghiên cứu về vấn đề này nhưng đó cũng là yếu tố cần lưu tâm, xem xét xem có chuyện này không. 

Cùng với những khúc mắc của nền kinh tế như ông đã nêu, dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông nhận định thế nào về bức tranh kinh tế năm 2020?

Tôi cho rằng, kinh tế thế giới tiếp tục u ám hơn. Vì hiện nay tất cả các nền kinh tế đều tăng trưởng chậm lại, có thể rơi vào chu kỳ hơn 10 năm. Mức độ suy giảm cao hay thấp sẽ còn phải xem xét nhưng khả năng tiếp tục suy giảm cao.

Mâu thuẫn thương mại Mỹ - Trung chưa giải quyết được trong thời gian ngắn. Xung đột thương mại Mỹ - Trung có tác động không tốt tới kinh tế thế giới. 

Không chỉ bất ổn về kinh tế, thế giới đối mặt với “đại" vấn đề khác như: biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị… Có thể nói thế giới chúng ta đứng trước nhiều diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn được nổi lên là “điểm sáng” trong các báo cáo của nhiều tổ chức thế giới. 

Tôi cũng cho rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam cơ bản vẫn ổn định. Dòng đầu tư nước ngoài tiếp tục tốt vì môi trường đầu tư tốt. Các vấn đề khác của nền kinh tế như tái cơ cấu, cải cách thể chế sẽ tiếp tục được xử lý.

Có hai kịch bản, nếu vấn đề tái cơ cấu, cải cách thể chế được thực hiện tốt, Việt Nam sẽ bứt phá hơn nữa. Tăng trưởng 7% có thể đạt được. Còn nếu làm không tốt thì e rằng có thể khó.

Nhìn chung, cơ bản ông thấy Việt Nam vẫn có tiềm năng để tăng trưởng cao dù thế giới có nhiều bất ổn?

Thực sự chúng ta có tiềm năng bứt phá hơn nữa. Thậm chí tới 8% nhưng với điều kiện cải thiện được loạt vấn đề về tái cơ cấu, cải cách thể chế…, quá trình này muốn làm được, thì không thể lơ là chuyện “trọng dụng nhân tài".  

Chúng ta chưa có chính sách trọng dụng nhân tài phù hợp. Làm sao để bộ máy công quyền có nhiều người tài nhất có thể. Hơn ai hết - họ là người định ra thể chế, tạo sức bật. Nếu cứ chạy chức chạy quyền thì rất khó để bứt phá. 

Muốn kéo được người tài, đãi ngộ là một chuyện, việc quan trọng nhất là phải bố trí người ta “đúng người đúng việc". Nếu đãi ngộ thấp, đưa người vào không đúng vị trí, không đúng năng lực của họ thì nhân tài nào chịu ở lại.

“Tiền mặt xếp khối cất két, đút gầm giường trong nhà giàu Việt”, đó là một thực tế. Theo ông, làm thế nào để có thể huy động tối đa nguồn lực trong dân, bao gồm cả tiền mặt, vàng cất giữ và cả tiền rót vào đất nền rồi để hoang hoá không sinh lời?

Tiền trong dân rất nhiều, chúng ta nhắc đến chuyện huy động vốn trong dân nhưng làm sao để đồng tiền có khả năng sinh lời rất khó.

Như tôi đã đề cập, theo thống kê của VCCI, 60% doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Người dân chăm chăm mua vàng, mua đất cho chắc. Và thực ra, nhiều thời điểm nhiều người giàu lên đột ngột vì vàng, vì đất. 

Quay trở lại, tiền nhiều như vậy làm gì cho hiệu quả. Đối tượng có thể sử dụng tốt nhất nguồn vốn này là khối kinh tế tư nhân. Chỉ có khu vực này mới sử dụng hiệu quả. 

Phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân làm ăn, phát triển mạnh mẽ thì nguồn vốn trong dân mới huy động được và sử dụng hiệu quả. Cùng với đó có những chính sách thích hợp để hạn chế “vàng hoá", hạn chế rót tiền vào đất nền rồi để không, không tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

Một kênh khác đó là thị trường chứng khoán, nếu làm tốt kênh này sẽ huy động được nguồn lực rất lớn. 

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Nguyễn Mạnh (ghi)