1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đạm Ninh Bình sản xuất trở lại để bù lỗ nghìn tỷ cho nhà máy

(Dân trí) - Từng là niềm kỳ vọng của ngành hoá chất, nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động (năm 2012), Nhà máy Đạm Ninh Bình luôn chìm đắm trong thua lỗ. Với số lỗ quá lớn nên năm 2016, công ty này đã phải tạm dừng hoạt động. Đầu năm 2017, sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, Đạm Ninh Bình bắt đầu gượng dậy sản xuất nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn.

5 năm hoạt động, lỗ hơn 3.100 tỷ đồng

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty Đạm Ninh Bình, lỗ luỹ kế của nhà máy này tính đến hết năm 2016 là 3.163 tỷ đồng, trong đó số lỗ lớn nhất là năm 2016 với hơn 1.078 tỷ đồng, khiến nhà máy này phải dừng hoạt động 5 tháng liền.

Trước bối cảnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho DN này, trong đó có yêu cầu thanh tra toàn diện Đạm Ninh Bình để xác định yếu kém; đưa doanh nghiệp (DN) này thuộc diện giám sát đặc biệt trong top12 DN lớn thua lỗ ngành Công Thương.

Được sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành và chứng kiến chu kỳ giá phân bón đang lên, tháng 1/2017, Đạm Ninh Bình bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sự “gượng dậy” trong cơn ốm yếu, cộng với việc chưa tìm ra giải pháp căn cơ khiến DN này đang rất chật vật.

Nhà máy Đạm Ninh Bình tiếp tục hoạt động
Nhà máy Đạm Ninh Bình tiếp tục hoạt động

Mới đây, trong báo cáo của thanh tra Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân khiến Đạm Ninh Bình thua lỗ chính là do DN này có lượng công nhân quá nhiều. Cụ thể, trong nghiên cứu cứu khả thi dự án nhà máy chỉ cần 603 người, nhưng đến thời điểm ngày 31/12/2015, nhà máy này có tổng cộng là 997 người. Điều này góp phần làm tăng chi phí nhân công trong cấu thành chi phí cố định.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Văn Minh, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho rằng: Đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ và công nhân làm việc tại nhà máy là những bộ phận đã được tối ưu hoá.

“Lao động của công ty hiện đã được rà soát tối ưu. Dây chuyền của nhà máy hoá chất đạm là công nghệ cao nên đã có sự phân công cụ thể theo yêu cầu và tính toán của nhà bản quyền cung cấp công nghệ. Mới đầu chúng tôi dùng 1.050 người, nhưng hiện nay nhà máy rút xuống còn gần 1.000 lao động”, ông Minh nói.

Thua lỗ chủ yếu do giá thị trường

Theo ông Minh, nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là giá phân bón giảm rất sâu, nguồn cung phân bón thế giới lớn, ngành lại chịu ảnh hưởng khủng hoảng thừa. Trong khi đó, nhu cầu trong nước giảm do thiên tai nhiều, thời tiết không ủng hộ.

Mặc dù hiện Đạm Ninh Bình đã chạy tải 85% công suất sản lượng, nhưng theo lãnh đạo công ty này, doanh thu hiện chỉ mới đủ đảm bảo không lỗ chi phí biến đổi và bù đắp một phần chi phí cố định. Công ty vẫn lỗ kế hoạch, dù cho tiếp tục sản xuất.


Lãnh đạo công ty này khẳng định, năm 2018 công ty sẽ hoà vốn và năm 2021 sẽ có lãi nếu giá phân bón tiếp tục giữ ổn định và tăng lên

Lãnh đạo công ty này khẳng định, năm 2018 công ty sẽ hoà vốn và năm 2021 sẽ có lãi nếu giá phân bón tiếp tục giữ ổn định và tăng lên

Vị Phó TGĐ Đạm Ninh Bình cho hay, với giá phân bón hiện tại 6,7 triệu đồng/tấn, chúng tôi đã đủ về chi phí biến đổi (nguyên vât liệu, vốn sản xuất, vận chuyển bốc dỡ…) nhưng chưa đủ bù đắp lỗ do chi phí cố định.

“Bối cảnh hiện nay bắt buộc phải sản xuất, vì vừa tạo việc làm vừa có thể giảm được lỗ kế hoạch. Nếu tiếp tục dừng hoạt động, nhà máy sẽ lỗ và lỗ nhiều hơn bởi máy móc nhà máy liên quan đến hoá chất nên nếu dừng hoạt động sẽ hư hỏng xảy ra, tổn hại sẽ rất lớn”, ông Minh cho hay

Năm 2018 sẽ hoà vốn, năm 2021 sẽ có lãi

Theo ông Minh do suất đầu tư cao, thời gian khấu hao nhà máy chỉ 20 năm nên khấu hao nhà máy lớn khoảng 600 tỷ đồng/năm. Vì vậy, nhà máy này bắt buộc phải sản xuất để giảm áp lực lãi vay và suất đầu tư lớn.

Thực tế, theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ năm 2012 đến năm 2015, nhà máy đạm Ninh Bình liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng (luỹ kế hết 2015). Sau 5 năm hoạt động, trung bình mỗi năm lỗ hơn 630 tỷ đồng.

Bảng kết quả doanh thu từ năm 2012 - 2016 của Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình cung cấp)
Bảng kết quả doanh thu từ năm 2012 - 2016 của Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình cung cấp)

Điều đáng nói, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trên thì từ năm thứ 4 trở đi nhà máy sẽ có lãi. Nhưng thực tế năm 2015 (năm thứ 4) Công ty lỗ 365 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Dự án không có hiệu quả về kinh tế, càng sản xuất, càng lỗ.

Ông Minh lý giải: “Hiện nhà máy đang ở trong trường hợp bắt buộc phải chạy, nếu không chạy thì sẽ lỗ nặng thêm. Đây là giải pháp quan trọng nhất”.

Về tầm nhìn và giải pháp căn cơ, ông này cho biết: “Chúng tôi trông chờ phần lớn vào thị trường là chính bởi trong quá trình tái cơ cấu, chúng tôi đã tối ưu hoá nhân lực, chi phí. Năm 2011 - 2012, giá urê vào 9 triệu đồng/tấn, giai đoạn sau đó giá urê nay cứ giảm dần, khiến DN khốn đốn. Hy vọng từ năm 2017 trở đi, giá phân urê tiếp tục đi như giá năm 2011 - 2012. Với mức giá kỳ vọng như vậy, chúng tôi hoàn toàn đảm bảo chi phí và có lãi”, ông Minh nói.

Ông Minh tiết lộ: “Đạm Ninh Bình đã xây dựng phương án tổng thể, dự kiến năm 2018 công ty sẽ hoà vốn và năm 2021 nhà máy sẽ có lãi. Phương án này cũng đã được công ty báo cáo Tập đoàn Hoá chất và Chính phủ”.

Nguyễn Tuyền