1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại lý xe cũ “bất động” trong bão dịch Covid -19, tính chuyện bán tháo

(Dân trí) - Rất nhiều cửa hàng xe mở cửa song vắng lặng những ngày dịch viêm phổi cấp đang diễn biến khó lường; Nhiều chủ buôn dòng xe cũ lo lỗ nặng vì chi phí kinh doanh, trả lãi ngân hàng lớn thêm mỗi ngày.

Trưng xe nhưng khó bán

Tại phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), khá đông đại lý xe cũ đã mở cửa từ ngoài rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, nhiều chủ đại lý chỉ mở cửa bày bán mà không có giao dịch đặt mua.

Đại lý xe cũ “bất động” trong bão dịch Covid -19, tính chuyện bán tháo - 1

Trên phố Dương Đình Nghệ, rất nhiều đại lý xe hơi ở trong tình trạng bất động giao dịch mua-bán

Các đại lý cũng không tiếp đón được khách ghé thăm, tìm xe. Nhân viên kinh doanh được bố trí để đi quay phim chụp ảnh xe để đẩy lên mạng bán online.

Tại một số nơi khác như Tố Hữu (Hà Đông), Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy)… các đại lý cũng mở ngày khai trương sau rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, tình trạng chung cũng không khá hơn.

“Bán online qua fanpage của Facebook, quảng cáo từ Zalo hay các trang website khác cũng không khả quan bởi nhu cầu xe đang giảm, cả xe mới lẫn xe cũ. Các năm trước, lễ hội, đình đám hay du xuân năm trước nhiều nên nhu cầu thuê, mua để đi chơi nhiều, nhưng năm nay dịch bệnh đã khiến hầu hết đại lý không có doanh số thuê xe dịch vụ đi lễ hội”, anh Đạt, nhân viên kinh doanh của đại lý xe cũ trên đường Tố Hữu cho biết.

Tại một số địa phương, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn đến doanh số bán xe cũ. Anh Hiền, chủ cơ sở bán xe lớn tại TP. Hưng Yên cho biết sau Tết âm đến nay tình hình rất khó khăn.

“Xe cũ được các đại lý lớn chào về nhiều mà không dám nhập hàng, chỉ nhập chủ yếu các xe tầm trung từ vài ba trăm triệu đến dưới 700 triệu đồng. Các mối buôn lớn trên Hà Nội gửi xe về tỉnh cũng ít hơn trước khá nhiều”, anh Hiền cho biết.

Tại Hải Phòng, một cửa hàng kinh doanh xe cũ lớn trên phố Lạch Tray cho biết, không bán đã đành, cho thuê cũng không được.

“Trung bình mỗi tháng thuê mặt bằng mất hơn 25 triệu đồng, chi phí điện, nước, lương cho 3 nhân viên mất thêm 30 triệu đồng nữa. Trong khi đó chưa kể lãi vay để mua xe cũ bởi không phải đại lý nào cũng đủ uy tín để cho khách thuê mặt bằng, bán xe”, ông Hảo, chủ đại lý xe tại Hải Phòng cho biết.

Bán tháo để cứu vốn?

Theo nhiều người kinh doanh xe cũ, dịch bệnh Covid-19 cũng chỉ tác động làm mất khách một phần, phần còn lại do nhu cầu xe cũ của thị trường giảm mạnh từ đầu năm. Bên cạnh đó, xe cũ đang có xu hướng cạnh tranh kém hơn so với các dòng xe mới.

Đại lý xe cũ “bất động” trong bão dịch Covid -19, tính chuyện bán tháo - 2

Mỗi chiếc xe mua về, nếu "treo" 3 tháng coi như chủ đại lý sẽ lỗ

“Nếu không bán online, chi quảng cáo facebook để kiếm khách sẽ rất khó”, chủ đại lý xe cũ tại phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội cho biết.

Trước đây, các dòng xe cũ giá rẻ đổ về tỉnh, địa phương, tuyến huyện thị để phù hợp với nhu cầu của nhiều người dân. Tuy nhiên, hiện nay cũng rất khó bán. Những chiếc xe trên 15 năm, giá 200 đến 300 triệu đồng, bán mãi không được.

“Có ít tiền họ càng muốn mua xe bền, tiết kiệm. Chúng tôi cũng chỉ muốn giá xe mua vào rẻ, bán nhanh, quay vòng vốn nhanh, chứ không có chuyện ai kinh doanh xe cũ cũng lãi quả đậm”, ông Hiệp, chủ showroom ô tô cũ trên đường Phạm Hùng cho biết.

Theo kế hoạch của các đại lý xe hơi, trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường và nhu cầu xe giảm xuống, chắc chắn sẽ phải hạ giá để kéo khách hoặc kích cầu bằng gói bảo hiểm, vay mua xe không lãi suất…

“Hầu hết các đại lý phải vay lãi để mua xe, không mua xe vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, nhân công, chi phí kinh doanh, mua xe về nếu không bán được cũng sẽ chịu lỗ do đời xe trôi nhanh. Tuy nhiên, nếu mua xe được rẻ, bán giá rẻ là phương án phù hợp”, anh Hiệp cho biết.

Theo ông này, mỗi chiếc xe cũ, chủ phải vay ngân hàng thấp nhất 30% chi phí, còn lại có thể do khách bán xe cho chịu một nửa hoặc hợp đồng thuê - bán, chủ xe cũ chỉ ăn % chênh lệch. Thời gian vàng để mua xe vào và bán xe ra là 1-3 tháng, nếu để trôi lâu, nhất là thời điểm cuối năm, khi chiếc xe chịu thêm 1 tuổi, các đại lý sẽ lỗ nặng.

Số đại lý có sẵn vài tỷ đến vài chục tỷ bỏ vào xe là không nhiều vì bán xe cũ ăn nhau ở nguồn cung xe và khách hàng, nhiều người đốt cả sản nghiệp vào xe cũ trước khi rút chân.

An Linh