1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đại gia xây dựng BT, BOT đang phải “đau đầu vì tiền”, có dự án đối mặt phá sản

(Dân trí) - CII – một đại gia trong lĩnh vực xây dựng dự án BT, BOT đã phải thừa nhận 2018 là năm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập công ty đến nay, kéo đó là sự sụt giảm nghiêm trọng trong kết quả kinh doanh, năng lực tài chính và cụ thể nhất là tài sản của các cổ đông tại thời điểm cuối năm đã sụt giảm rất lớn so với thời điểm đầu năm.

Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã CII) sáng nay (18/4) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.

Đại gia xây dựng BT, BOT đang phải “đau đầu vì tiền”, có dự án đối mặt phá sản - 1

BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đối mặt với tình huống phá sản nếu như không được điều chỉnh lãi suất

Không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết

Ngay trong tờ trình cổ đông của HĐQT CII, ông Lê Vũ Hoàng – Chủ tịch HĐQT đã phản ánh rằng, từ ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành”.

Cho đến ngày 28/12/2018, ngày cuối cùng của năm tài chính 2018, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết số 160, theo đó, việc thanh toán của các hợp đồng BT được ký kết trước ngày 1/1/2018 thì vẫn tiếp tục thực hiện.

Với các vướng mắc mang tính chất bất khả kháng nói trên, trong suốt năm 2018, CII không được thanh toán bất kỳ hợp đồng BT nào đã ký kết. “Việc này không những gây ảnh hưởng đến dòng tiền vào của CII mà còn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của CII, phá vỡ tất cả các dự tính, dự báo của CII trong năm 2018”.

Chồng chất khó khăn tại BOT Trung Lương – Mỹ Thuận

Bên cạnh đó, dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận mà CII đang triển khai cũng bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Theo phương án tài chính được duyệt, nguồn vốn chủ của các nhà đầu tư cần phải góp là 1.542 tỷ đồng (tương đương khoảng 15% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên, các ngân hàng thận trọng nên đã yêu cầu nâng tỷ lệ vốn chủ lên 30% (tức khoảng 2.500 tỷ đồng) nên các nhà đầu tư phải huy động thêm gần 1.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo, CII thừa nhận với cổ đông, các nhà đầu tư khác trong liên danh chủ yếu là các công ty xây dựng, tiềm lực tài chính có hạn nên việc góp thêm vốn vào dự án là ngoài khả năng. Để tránh đổ vỡ dự án, CII phải đứng ra huy đọng và góp thêm gần 1.000 tỷ đồng này vào dự án.

“Việc phải huy động một nguồn vốn lớn lại không nằm trong kế hoạch tài chính của công ty đã gây ra rất nhiều áp lực tài chính cho CII trong năm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền vào của CII đang bị vướng mắc”- lãnh đạo CII cho biết.

Tuy nhiên, câu chuyện tại BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đến đây chưa kết thúc. Sau 18 tháng ròng rã thuyết phục các ngân hàng, đến tháng 6/2018, hợp đồng tín dụng của dự án cũng được ký kết. Lúc này lại phát sinh vướng mắc mới liên quan đến lãi suất vốn vay của dự án. Cụ thể là chênh lệch rất lớn giữa lãi suất tính toán hoàn vốn trong phương án tài chính được duyệt và lãi suất vay thực tế.

“Nếu không được điều chỉnh lãi suất thì dự án sẽ phá sản do các ngân hàng không giải ngân” – báo cáo của CII nêu. Hiện tại, các bên có liên quan đã kiến nghị lên Thủ tướng cho phép dự án được áp dụng lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại.

Lãnh đạo CII cũng than phiền, nhẽ ra từ 1/10/2018 đã bắt đầu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ dự án BOT Mở rộng Xa Lộ Hà Nội, nhưng để triển khai thu phí, hàng loạt các thủ tục có liên quan phải được thực hiện và cần sự chấp thuận của rất nhiều sở, ban, ngành của thành phố.

“Các công việc này lẽ ra rất đơn giản nhưng thực tế lại quá khó khăn. Các văn bản liên tục được chuyển qua chuyển về, chuyển đi chuyển lại. Đôi khi chỉ một vài câu chữ trong văn bản cũng làm CII tốn biết bao nhiêu là công sức” – lãnh đạo CII giãi bày.

Đến nay, mọi việc đã hoàn tất nhưng việc thu phí hoàn vốn cho dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội vẫn chưa thực hiện được, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền và hiệu quả hoạt động của CII.

Theo đó, HĐQT CII đánh giá, 2018 là năm khó khăn nhất kể từ ngày thành lập công ty đến nay, kéo đó là sự sụt giảm nghiêm trọng trong kết quả kinh doanh, năng lực tài chính và cụ thể nhất là tài sản của các cổ đông tại thời điểm cuối năm đã sụt giảm rất lớn so với thời điểm đầu năm. Giá cổ phiếu giảm sút từ khoảng 35.000 đồng/cổ phiếu xuống vùng 25.000 đồng tại thời điểm cuối năm 2018. Đây là một điều chưa từng xảy ra với cổ đông CII trong các năm trước.

Mai Chi

Đại gia xây dựng BT, BOT đang phải “đau đầu vì tiền”, có dự án đối mặt phá sản - 2