1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đại gia ngàn tỷ mới lộ diện khuấy đảo giới nhà giàu Việt

Trong khi hàng loạt các đại gia tan giấc mộng ảo, bay hơi ngàn tỷ, vướng vào vòng lao lý thì không ít các doanh nhân giàu lên nhanh chóng, nhiều gương mặt mới với túi tiền ngàn tỷ lộ diện trong thời gian gần đây.

Túi tiền ngàn tỷ

Cuối cùng, một cái tên được chú ý trong nhiều năm gần đây, một đại gia thuộc thế hệ các doanh nhân thành công tại Đông Âu cùng thời với tỷ Phạm Nhật Vượng cũng sắp lọt vào top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà - Banacab (BNC). Theo đó, Cáp treo Bà Nà sẽ niêm yết 216,4 triệu cổ phiếu, giá trị tương ứng 2.164 tỷ đồng theo mệnh giá.

Với hơn 83 triệu cổ phiếu BNC (tương ứng gần 38,6% cổ phần), ông Lê Viết Lam sẽ sở hữu 'túi tiền' hơn 830 tỷ đồng, tính theo mệnh giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng doanh thu lợi nhuận rất cao cũng như quy mô khủng của Banacab thì giá cổ phiếu BNC khi lên sàn được giới tài chính đánh giá sẽ ở mức cao hơn nhiều so với mệnh giá.

Nhiều doanh nhân mới nổi khuấy đảo danh sách nhà giàu Việt.
Nhiều doanh nhân mới nổi khuấy đảo danh sách nhà giàu Việt.

Giá trị tài sản của ông Lê Viết Lam không chỉ dừng lại ở đó. SunGroup của ông Lam cũng đang sở hữu hơn 7% tại Banacab. Đó là chưa kể đến hàng loạt các dự án khủng của “vua cáp treo Việt Nam”.

Cũng trong lần “ra mắt” Banacab lần này, TTCK cũng sẽ đón nhận một gương mặt đại gia mới toanh với 'túi tiền' có thể lên tới cả ngàn tỷ đồng. Ông Mạnh Xuân Thuận hiện đang nắm giữ 73,6 triệu cổ phiếu BNC (tương đương 34% vốn).

Mạnh Xuân Thuận, 1962, là một cái tên lạ lẫm trên TTCK. Ông Thuận từng là cán bộ quản lý gần 10 năm tại SunGroup. Bên cạnh khối tài sản lớn sắp lên sàn, ông Thuận còn là thành viên HĐT tại một số công ty khác như: Thương mại và Truyền thông Thời đại và Thương mại Du lịch Đầu tư Cù Lao Chàm.

Trước đó, các NĐT chứng kiến sự nổi lên của doanh nhân Đoàn Hồng Việt, chủ tịch của CTCP Thế giới số - Digiworld (DGW). Ông Hồng Việt nhanh chóng sở hữu hàng trăm tỷ đồng khi DN này lên sàn cách đây khoảng 1 năm.

Một loạt các cổ đông trong CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) bao gồm chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng đã từng làm đảo lộn bảng tỷ phú Việt vào năm 2015. Ông Tài đã nhanh chóng lọt tốp 10 người giàu nhất trên TTCK, vượt lên trên những tên tuổi lừng lẫy như Trương Gia Bình, Hồ Hùng Anh, Trần Kim Thành, Đặng Thành Tâm...

Ông Trịnh Văn Quyết cũng vừa bất ngờ có tài sản tăng chóng mặt thêm hàng ngàn tỷ đồng (lên gần 5,2 ngàn tỷ đồng) và vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng sau khi DN ngàn tỷ Xây dựng Faros (ROS) lên sàn hồi đầu tháng 9.

Sắp tới hàng trăm triệu cổ phiếu TCH của CTCP Đầu và dịch vụ Tài Chính Hoàng Huy của nhà ông Đỗ Hữu Hạ lên sàn vào đầu tháng 10 tới cũng sẽ giúp tài sản của đại gia này tăng thêm hàng ngàn t.

Ghi danh giàu nhất Việt Nam

Gần đây, giới đầu tư chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục Ô tô Trường Hải (Thaco). Ông Trần Bá Dương ngay lập tức được coi là một trong những đại gia giàu có bậc nhất nếu doanh nhân này đưa cổ phiếu lên sàn. Chưa tính đến các loại tài sản, chỉ tính số cổ tức cả ngàn tỷ trong năm qua cũng khiến nhiều người giật mình.

Vì thế, qua nhiều ước tính thì ông Dương được xem là 1 tỷ phú USD ngầm tại Việt Nam nhờ sở hữu khoảng 50% cổ phần Thaco. Gần đây, do lãi lớn, Thaco đã chi nhiều ngàn tỷ đồng tỷ để nắm quyền kiểm soát Địa ốc Đại Quang Minh.

Có nhiều sự thay đổi trong tốp những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.
Có nhiều sự thay đổi trong tốp những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

Trong một nhận định hồi tháng 3/2016, Bloomberg cho rằng, một gương mặt có thể trở thành tỷ phú USD tại Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, TGĐ VietJet Air. Theo đánh giá, bà Thảo sẽ có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD sau khi hãng hàng không này IPO. Bà thảo còn có án BĐS rộng 65 hecta ở TP.HCM, vốn ở 3 khu nghỉ dưỡng bao gồm Furama Resort ở Đà Nẵng, Ana Mandara ở Nha Trang, An Lam Ninh Van Bay Villas và cổ phần tại Ngân hàng HDBank.

Trương Mỹ Lan, bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của gia tộc họ Trương cũng được đánh giá là doanh nhân có khối tài sản rất lớn. VTP gần đây thâu tóm hàng ngàn ha đất tại huyện Cần Giuộc tỉnh Long An.

Ông chủ Vạn Cường cũng bất ngờ lộ khối tài sản lớn sau cú thâu tóm đất vàng Hãng Phim truyện Việt Nam “giá bèo” ngay sát cạnh Hồ Tây (Hà Nội) hồi đầu 2016. Hay như đại gia phất lên từ buôn phân - doanh nhân “Sơn xay xát”, chủ Tập đoàn Hoành Sơn, thâu tóm đất vàng Cao Su Sao Vàng mà rất nhiều đại gia địa ốc khác thèm muốn.

Trong nửa đầu 2016, giới đầu tư xôn xao về một doanh nhân bí ẩn, ông Phan Minh Hoàn, sáng lập viên của Hoàn Lộc Việt - một DN đứng sau thương vụ chuyển nhượng hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu hàng không SASCO và vụ sáp nhập 2 CTCK… Hoàn Lộc Việt hiện nắm cổ phần ở rất nhiều DN và chính là DN mua phần lớn cổ phần trong đợt IPO SASCO hồi 2014.

Gần đây, bà Trương Thị Tâm cũng lộ diện là một trong những ông chủ thực sự của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4). Bà Tâm là phó chủ tịch HĐQT Cienco4 và sở hữu gần 9,6 triệu cổ phần tại DN này.

Sự xuất hiện của các gương mặt giàu có tại Việt Nam trong vài năm qua là khá bất ngờ. Nhiều doanh nhân nổi lên nhờ sự bứt phá của các DN tư nhân như Thế giới Di động (ông Nguyễn Đức Tài…), Vingroup, FLC, HPG…

Có thể thấy, đổi mới kinh tế với nhiều chính sách thông thoáng giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển được đưa ra ồ ạt trong nhiều năm gần đây. Đây có lẽ là cơ hối hiếm có, ngàn năm có một giúp hình thành lên một tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam.

Theo V. Hà
Vietnamnet