1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại gia “đen đủi” nhất 2019: Từ đỉnh cao “nghìn tỷ” rồi mất hút khỏi top giàu

(Dân trí) - Từng là một trong những đại gia trẻ sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, vượt qua các tên tuổi lớn như ông Trương Gia Bình và bầu Đức, tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá trị tài sản trên sàn của Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chỉ còn hơn 115 tỷ đồng.

Đại gia “đen đủi” nhất 2019: Từ đỉnh cao “nghìn tỷ” rồi mất hút khỏi top giàu - 1

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từng là "hiện tượng nghìn tỷ" khi YEG vừa lên sàn

Thị trường chứng khoán đang bước vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019. Cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 đang cho thấy có dấu hiệu phục hồi sau chuỗi giảm sâu khi ghi nhận tăng 1.500 đồng tương ứng hơn 4% lên 38.500 đồng/cổ phiếu vào hôm qua (23/12).

Ngay trước đó, đóng cửa phiên tuần trước, YEG đã lùi về 37.000 đồng/cổ phiếu và đây cũng là mức giá thấp kỷ lục của mã này kể từ khi lên sàn hồi giữa năm 2018.

Trước khi xảy ra sự cố với YouTube hồi tháng 3 năm nay, YEG từng đạt đỉnh xấp xỉ 250.000 đồng vào ngày 8/1/2019. Như vậy, chỉ trong chưa tới 1 năm, YEG đã “bốc hơi” 85% giá trị.

Ở thời kỳ đỉnh cao của cổ phiếu YEG, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1 từng là một trong những đại gia trẻ sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán, vượt qua các tên tuổi lớn như ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT hay ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, giá trị tài sản trên sàn của ông Tống chỉ còn hơn 115 tỷ đồng. Có thể nói, đây là một trong những đại gia “đen đủi” nhất năm 2019.

Đại gia “đen đủi” nhất 2019: Từ đỉnh cao “nghìn tỷ” rồi mất hút khỏi top giàu - 2

Diễn biến giá cổ phiếu YEG trong 1 năm qua

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên rung lắc khá mạnh trong ngày hôm qua (23/12). Các chỉ số kết thúc với trạng thái trái chiều: Trong khi VN-Index tăng 3,02 điểm tương ứng 0,32% lên 959,43 điểm thì HNX-Index sụt nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,07% còn 102,35 điểm. UPCoM-Index giảm 0,19 điểm tương ứng 0,35% còn 55,48 điểm.

Điểm tích cực là thanh khoản có sự cải thiện rõ rệt. Khối lượng giao dịch trên HSX được đẩy lên 241,52 triệu cổ phiếu tương ứng 4.741,67 tỷ đồng và con số này trên HNX là 28,84 triệu cổ phiếu tương ứng 254,38 tỷ đồng. Thị trường UPCoM cũng có 7,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 99,68 tỷ đồng.

Cổ phiếu ROS của FLC Faros gây chú ý với khối lượng giao dịch cực mạnh, lên tới 36,84 triệu cổ phiếu, bỏ xa phần còn lại của thị trường. Tuy nhiên, nếu ROS giảm giá thì những mã có thanh khoản cao khác như HQC, FLC, DLG, KLF, KBC lại tăng giá.

Hôm qua, tình trạng giằng co của thị trường thể hiện qua số lượng mã tăng - giảm trên thị trường gần như tương đương nhau. Nếu bên giảm có 297 mã và có 20 mã giảm sàn thì bên tăng có 298 mã và 54 mã tăng trần.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn cũng đang xảy ra tình trạng phân hoá mạnh. Nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, TCB, CTG tăng giá và ảnh hưởng tích cực đến VN-Index thì ngược lại MSN, VNM, VHM, PLX lại sụt giảm.

Việc VCB và BID tăng giá mạnh đã hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. VCB tăng 2.600 đồng lên 90.900 đồng còn BID tăng 2.000 đồng lên 44.750 đồng lần lượt đóng góp 2,81 điểm và 2,34 điểm cho VN-Index. Ngược lại, MSN giảm 3.400 đồng còn 51.600 đồng; VNM giảm 2.000 đồng còn 118.000 đồng lấy đi của chỉ số lần lượt 1,16 điểm và 1,01 điểm.

Chuyên gia phân tích chứng khoán từ BVSC cho rằng, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn tại vùng 960,7-961,5 điểm trong phiên hôm nay (24/12). Chỉ số cần vượt qua vùng cản này để xác nhận cho khả năng hướng đến vùng cận trên của kênh giá đi ngang hiện tại tương ứng 969-970 điểm trong ngắn hạn.

Theo BVSC, giai đoạn cuối năm cũng là thời điểm các quỹ sẽ thực hiện chốt NAV và không loại trừ khả năng thị trường sẽ có các phiên biến động mạnh trong các phiên cuối tuần.

Nhóm phân tích đánh giá, thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu, dòng cổ phiếu đầu cơ đang có diễn biến khá sôi động nhưng rủi ro khi tham gia vào các cổ phiếu này đang gia tăng khi giá nhiều cổ phiếu đã có mức tăng trưởng đột biến chỉ trong một thời gian ngắn.

Còn với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số VN30 hiện đang ở vùng hỗ trợ mạnh và có khả năng hồi phục tăng điểm trong ngắn hạn nên chúng tôi kỳ vọng các cổ phiếu bluechips cũng sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khoảng thời gian đầu năm 2020.

Mai Chi