1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Đại gia bán nhà đất trả nợ giữ lấy uy danh

Đánh mất vị thế “ông lớn” một cách quá nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp cuống cuồng tìm cách thoát cảnh thua lỗ nợ nần để giữ lấy tên tuổi của mình.

Cắn răng bán tài sản

 

Thất bại trong kế hoạch lợi nhuận 0 đồng trong năm 2012 và đứng trước nguy cơ thua lỗ năm thứ 2 liên tiếp, CTCP Licogi 16 (LCG) lên kế hoạch năm 2013 sẽ chuyển nhượng bất kỳ dự án BĐS nào có thể, đồng thời thu hồi một số công nợ như tại trường AIS (39 tỷ đồng),Thủy điện Bản Chát (hơn 100 tỷ đồng).

 

Theo như dự kiến, danh sách các dự án LCG sẵn sàng thoái vốn bao gồm: Hiệp Thành (12,5 hecta, Quận 12, TP.HCM), Nam An (Bình Tân), Long Tân và Điền Phước (Nhơn Trạch), Lý Thường Kiệt (Bảo Lộc), Sky Park và Hoàng Mai (tại Hà Nội).

 

Đây là một trong những kế hoạch đã được đại hội cổ đông thường niên vừa thông qua mà ban lãnh đạo LCG muốn thực hiện bằng được để giảm áp lực vay, nhằm cải thiện dòng tiền, tránh một kết quả kinh doanh bi đát trong năm nay.

 

LCG còn tính tới việc thoái vốn khỏi dự án nhiên liệu sinh học cho dù đây là một phương án kinh doanh ban đầu được giá rất cao. Khoản vốn (bao gồm góp và vay Ngân hàng TienphongBank 10 triệu USD) và khoản nợ nhà tổng thầu 10 triệu USD là áp lực khiến LCG phải thoái vốn, thu hồi khoản đầu tư.
 
Đại gia bán nhà đất trả nợ giữ lấy uy danh

 

Không thua lỗ như LCG nhưng Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng nhận định 2013 là năm khó khăn hơn cả 2012 đối với lĩnh vực BĐS. Đại hội cổ đông HDG quyết định chỉ tập trung triển khai vào 4 dự án đã được khởi công từ các năm trước đó là Hà Đô Park View, dự án Nguyễn Văn Công tại Tp.HCM, dự án Noọng Tha tại Lào và dự án tại quận 12. Đồng thời, có thể bán vài dự án trong năm nay để thu về khoảng 1.400 tỷ đồng, và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ... nhằm giảm áp lực vay nợ.

 

Tìm hướng đi mới?

 

Làn sóng bán tài sản đang diễn ra khá mạnh mẽ trong cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp BĐS. Có thể kể ra một số doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch chuyển nhượng các tài sản lớn là BĐS hoặc cổ phiếu, cổ phần của mình như: Vinaconex, Nhà Thủ Đức, Thái Hòa, Đầu tư Kinh Bắc, Gemadept, VC9...

 

Trong trường hợp LCG, THV..., việc bán tài sản là nhằm giảm bớt áp lực vốn vay, cải thiện nguồn thu, cải thiện thanh khoản hay dòng tiền. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác bán tài sản để cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực có lợi thế và tiềm năng hơn.

 

Chưa biết kế hoạch tái cơ cấu hoạt động của LCG được thực hiện như thế nào, doanh nghiệp có BĐS và chỉ tập trung vào xây dựng hay mở thêm ra lĩnh vực nào khác nhưng qua những nội dung được đại hội thông qua, có thể thấy, doanh nghiệp này tỏ ra rất quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ. Nó giống như hướng mà nhiều DN muốn "thoát" khỏi mang bong bóng của thị trường BĐS.

 

Việc kiếm tiền từ lĩnh vực BĐS và đầu tư tài chính dường như không còn thuận lợi và dễ dàng như trước đây. Hàng loạt các thông tin bán dự bán, thoái vốn... cho thấy các doanh nghiệp đang thực sự muốn chuyển mình và thoát khỏi sự rắc rối từ chính những kế hoạch đầu tư vào BĐS, tài chính.

 

Thông tin gần đây cho thấy, Gemadept đã đạt được thỏa thuận bán tòa nhà tại số 6 Lê Thánh Tôn với giá khoảng 940 tỷ đồng. Số tiền thu về nhiều khả năng sẽ được mang sang Campuchia để phát triển dự án trồng cao su.

 

Có thể thấy, bằng cách này hay cách khác, nhiều doanh nghiệp đang tự cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình một cách mạnh mẽ sau khi nhận ra những sai lầm trong việc đầu tư phát triển nóng, đầu tư dàn trải trong các năm qua và sức ép rất lớn từ các khoản vay nghìn tỷ.

 

Quyết định thoái vốn, bán tài sản ở mức rẻ là khó khăn nhưng trong hoàn cảnh doanh thu không có, chi phí tài chính trong đó có lãi vay dâng cao thì hướng đi này được xem là lựa chọn cuối cùng.

 

Trong thời gian vừa qua, thị trường đã chứng kiến khá nhiều trường hợp thu được những kết quả đáng khích lệ sau những quyết định bán tài sản không mong muốn. Trong trường hợp LCG, doanh nghiệp này đã giảm được một phần khá đáng kể các khoản nợ của mình. Nếu việc chuyển nhượng tài sản diễn ra suôn sẻ, nhiều khả năng tình hình tài chính của đơn vị này sẽ được cải thiện trong một vài quý tới.

 

Trong trường hợp Gemadept, hồi đầu năm doanh nghiệp này đã bán 2,35 triệu cổ phần tại Nước khoáng Vĩnh Hảo thu về tổng lãi 161 tỷ. Thỏa thuận bán Gemadept Tower cũng được dự báo mang lại gần 1.000 tỷ cho đơn vị này.

 

Việc chuyển hướng sang trồng cao su tuy chưa biết sẽ tiềm năng như thế nào, mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho doanh nghiệp này nhưng phương án trồng cao su đang được nhiều chuyên gia đánh giá cao và được nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên sàn chứng khoán lựa chọn như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Phát Đạt...

  

Theo Mạnh Hà
VEF