1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại biểu Quốc hội: Không thể cái gì cũng thu tiền dân!

(Dân trí) - Sáng nay (22/5), tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, đề cập đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, có đại biểu cho rằng: Không thể cái gì cũng thu tiền dân.


ĐBQH thảo luận tại tổ sáng nay

ĐBQH thảo luận tại tổ sáng nay

Tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện không ổn

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu đoàn TPHCM, tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay không ổn. Cho tới hiện giờ khâu tổ chức sản xuất nông nghiệp đang ngổn ngang, bấp bênh. Người nông dân loay hoay trên mảnh đất của mình, nhiều vùng không còn tha thiết với mảnh đất – vốn là tư liệu sản xuất không thể thay thế được trong sản xuất.

"Nếu cải thiện tổ chức sản xuất tốt thì đã không phải có những cuộc giải cứu. Giờ muốn tập trung thì ai là người sẽ giúp nông dân xây dựng thương hiệu?”, bà Quyết Tâm nói.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM, báo cáo Chính phủ nêu “công nghiêp chế biến, chế tạo đang chậm lại” làm dấy lên mối lo, vì đây là mắt xích quan trọng tăng sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản.

"Nhiều khi có cảm giác ý kiến tâm huyết của ĐBQH không được tiếp thu đầy đủ. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn tới đời sống người dân ở vùng sâu, xa tốt hơn. Khi người dân đóng thuế để xây dựng đất nước tất yếu người dân phải được hưởng thụ từ giá trị đóng góp của mình”, bà Tâm nói.

Đồng thời bà Quyết Tâm cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Giờ cái gì cũng tính giá thị trường, thu tiền của người dân thì phải xem xét lại. Ta phải xem lại giáo dục phổ thông, có chính sách với giáo dục phổ thông và coi đây là bậc học phổ cập bắt buộc, không thu tiền. Xây trường lớp ra trường lớp, chứ không phải kiểu trường không ra trường. Phải đầu tư, và cái này trong tầm tay chúng ta”.

Dòng vốn FDI rút đi, chúng ta còn lại gì?

Đánh giá về tình hình kinh tế chung, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) nhận định, tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2017 tăng 6,81%, quý I tăng 7,38% là nỗ lực của cả hệ thống.

"Theo nghiên cứu của tôi bình quân quý I trong 10 năm chỉ là 5,36%. Năm 2018, WB, IMF dự báo tăng GDP của Việt Nam khoảng trên 6,5%, cho niềm tin năm nay sẽ tăng trưởng hoàn thành kế hoạch”, ông Ngân nói.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tăng trưởng hoàn thành ảnh hưởng nhiều tới chỉ tiêu kinh tế xã hội khác nên yếu tố hoàn thành GDP cần được quan tâm.

"Tăng trưởng 2017 tăng đồng đều ở các lĩnh vực, nhất là công nghiệp, chế biến chế tạo, dịch vụ… Tăng trưởng này có bền vững? Chúng ta tăng trên nền kinh tế vĩ mô ổn định, 4 năm liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới 5%, các cán cân thanh toán vãng lai, quốc tế thặng dư liên tục giúp dự trữ ngoại hối tăng”, ông nói.

Ông Ngân cũng dẫn thêm những yếu tố tích cực khác như: Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, khoảng 2,7 tỷ USD và 4 tháng đầu năm xuất siêu 2,4 tỷ USD; Niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên, chuyển nhượng giá trị hàng hoá đều dùng đồng nội tệ. Trong khi đó, năm 2017 bội chi được kiểm soát tốt, giảm 4000 tỷ đồng còn 3,8%.

Ông Ngân lưu ý, với độ mở kinh tế hiện nay đứng thứ 7 thế giới (có độ mở lớn), kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 1,9 lần GDP, nên dễ bị nhạy cảm với những biến động kinh tế thế giới trong khi tình hình thế giới rất phức tạp, nên cần quan tâm tới thị trường trong nước, kiểm soát độ mở.

FDI chuyển hướng, sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam

Bàn về câu chuyện thu hút FDI, ông Ngân cho rằng, cũng cần lưu ý tới khu vực FDI. 30 năm qua khu vực này đạt kết quả nhất định, giải ngân 172 tỷ USD (7,8%GDP), vốn đầu tư là 24%, kim ngạch xuất khẩu chiếm 72%…

“Đây là yếu tố chỉ cần có sự chuyển hướng, rút vốn sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam. Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất, nên sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy tiền tệ thế giới và ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng ta vẫn rất cần nguồn vốn này, vì thế phải có chiến lược thu hút FDI”, ông nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề chưa chuyển biến lớn; chất lượng thấp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng 2 nhiệm kỳ Đại hội rồi nhưng không có sự chuyển biến lớn mà thậm chí còn có dấu hiệu đáng lo.

"FDI giờ nhìn lại, sau khi họ vào nước ta 20 năm lực lượng ấy, con người ấy phải được chuyển thành cơ thể của chúng ta chứ ko phải vẫn là người xa lạ. Tới khi họ rút đi chúng ta còn lại gì?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo ông Nghĩa, bài học ô tô đã được các chuyên gia chỉ rõ, do sự quản lý kém dẫn tới chuyện họ chỉ mượn lao động giá rẻ, khi chúng ta nâng giá lao động lên họ sẽ rút đi. Họ mượn đất, mượn ưu đãi của chúng ta – giảm nguồn thu ngân sách

“Đổi lại chúng ta thu hút trở lại được gì? Lợi nhuận họ thu được như một số nhà đầu tư FDI, kể cả Samsung có lợi nhuận rất lớn, nhưng đóng góp vào ngân sách không tương xứng với cái họ được hưởng. Tới đây phải có cách nhìn nhận khác đi với FDI. Không thể hy sinh môi trường, dễ dãi trong thu hút FDI nữa”, ông nhấn mạnh.

Phương Dung

Đại biểu Quốc hội: Không thể cái gì cũng thu tiền dân! - 2