1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại biểu Quốc hội hiến kế: Huy động vàng, ngoại tệ trong dân, chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu...

(Dân trí) - Đại biểu cho rằng, để được người dân chọn mặt gửi vàng trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi lập một công ty đầu tư vốn nhà nước và công ty này phải đảm bảo tài sản của người dân tham gia vào công ty quy đổi ra trái phiếu, cổ phiếu được an toàn và sinh lời.

Đại biểu Quốc hội hiến kế: Huy động vàng, ngoại tệ trong dân, chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu... - 1

Đại biểu Lê Công Nhường hiến kế để huy động nguồn lực từ dân. 

Thảo luận về Luật Chứng khoán trên Nghị trường Quốc hội, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, hiện nay đất nước đang cần một nguồn lực lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước như đường cao tốc Bắc - Nam, các sân bay, đường sắt cao tốc, các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các chương trình chống biến đổi khí hậu...

Qua dự thảo luật lần này, đại biểu đề nghị nên thiết kế một số điều để huy động nguồn lực, tài sản của nhân dân thông qua thị trường chứng khoán, nhất là nguồn lực như đất đai, nhà xưởng và tài sản của người dân, nhất là tại nơi triển khai dự án; có cơ chế để chuyển đổi thành trái phiếu, cổ phiếu, góp vốn vào công ty đầu tư nhà nước Việt Nam trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước được đảm bảo an toàn và sinh lời.

"Mô hình này giống như công ty đầu tư nhà nước của Singapore Temasek Holdings. Công ty này có tổng lợi tức cổ đông kể từ lúc thành lập từ năm 1074 đến nay là 15% hàng năm. Đây thực sự là con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Singapore", ông nói.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số điều, cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thành lập một công ty đầu tư nhà nước, dạng như công ty Temasek Singapore. Nhiệm vụ công ty đầu tư nhà nước này là sử dụng vốn, đồng tiền của nhà nước và người dân một cách thông thái và phải biến nguồn vốn này thành nồi cơm Thạch Sanh cho ngân sách nhà nước, cũng như lợi tức cho người dân.

Ông Nhường nhắc lại, năm 1945, Chính phủ mới thành lập rất khó khăn và tài chính nên Chính phủ đã đề ra chương trình tuần lễ vàng. Từ ngày 17 đến 24/9/1945, nhân dân cả nước đã hưởng ứng và quyên góp giúp Chính phủ vượt qua khó khăn và bảo tồn nền độc lập.

"Ngày nay, đất nước ta đã có thế lực mới, đã có vị thế và uy tín. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức đó là thiếu hụt vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng để phát triển đất nước", ông nhấn mạnh và cho rằng, để huy động được nguồn lực của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đòi hỏi Chính phủ phải minh bạch, liêm chính và hành động vì phát triển đất nước.

"Để được người dân chọn mặt gửi vàng trong thời đại công nghệ 4.0, đòi hỏi công ty đầu tư vốn nhà nước phải đảm bảo tài sản của người dân tham gia vào công ty quy đổi ra trái phiếu, cổ phiếu được an toàn và sinh lời. Chính phủ ngày nay không đòi hỏi người dân phải đóng góp vào mà không có lợi ích gì do quản lý yếu kém", ông nói thêm. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) thì nhắc tới việc mở rộng sản phẩm hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Trước hết là những khoản vay thế chấp đối với bất động sản, theo đại biểu, nếu chứng khoán hóa được những khoản vay thì những khoản vay về bất động sản sẽ không bị giới hạn bởi tỷ lệ dư nợ tín dụng như các ngân hàng hiện nay do nó đã chuyển thành các chứng khoán và những nhà đầu tư tư nhân có thể hoàn toàn bỏ tiền vào khoản cho vay đó.

"Tâm lý của người Việt Nam rất đam mê trong đầu tư bất động sản, nếu chúng ta chứng khoán hóa được các khoản vay thế chấp bất động sản thì bất kể người dân nào có một lượng tiền ít cũng có thể bỏ tiền vào mua các cổ phiếu của các khoản vay này. Như vậy, chúng ta sẽ huy động một lượng tiền rất lớn của thị trường", ông nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) dẫn báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tỷ trọng cung vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế Việt Nam tính theo giá trị phát hành thực tế năm 2018 chiếm 14% tổng cung ứng vốn, theo giá trị vốn hóa thị trường là 36,9%, quy mô vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết chỉ chiếm 71,6%GDP, dư nợ trái phiếu Chính phủ khoảng 20,3% GDP.

"So với một số nước trong khu vực và trên thế giới ví dụ Malaysia, Singapore, Thái Lan tỷ lệ huy động vốn từ hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán so với GDP tương ứng như sau. Singapore là 140,8 so với 243%, Malaysia là 140 so với 145%, Thái Lan là 129 so với 200%", đại biểu nói.

Đại biểu tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ ra rằng, thị trường chứng khoán hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân làm theo việc huy động vốn trong dân, huy động nguồn tiền nhàn rỗi chưa thực sự hiệu quả.

"Theo khảo sát của tổ chức Neisen quý II/2018, có hơn 70% người dân Việt Nam có xu hướng gửi tiết kiệm nếu có tiền nhàn rỗi. Do vậy, việc sửa đổi Luật Chứng khoán là hết sức cần thiết, đưa thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn chung và dài hạn quan trọng, là cơ sở phát triển thị trường vốn chia sẻ với hệ thống ngân hàng và bảo đảm tính bền vững ổn định của nguồn vốn", ông nói.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, thị trường chứng khoán là hàn thử biểu cho sức khỏe nền kinh tế đất nước, góp phần huy động cả nội và ngoại lực đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, thị trường này cũng đầy những rủi ro, cạm bẫy đối với nhiều nhà đầu tư cũng như với cả nền kinh tế đất nước chúng ta.

"Những chiêu trò, mánh khóe tinh vi, thao túng thị trường, dìm giá, thổi giá cổ phiếu, tạo bong bóng chứng khoán hoặc những luồng tiền tín dụng ngân hàng không kiểm soát được bị hút vào thị trường khi thì nóng quá mức, khi thì xì hơi đổ vỡ sẽ gây làn sóng tháo chạy của các nhà đầu tư, thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế, thậm chí ảnh hưởng tới cả khu vực", ông nói.

Theo ông Lâm, kinh nghiệm này không phải thị trường chứng khoán nước ta chưa từng trải qua, chúng ta đã có những bài học xương máu và phải trả giá đắt. Có không ít những đại gia giàu lên sau một đêm từ thị trường chứng khoán, nhưng cũng không ít nhà đầu tư nhỏ vỡ nợ qua vài chu kỳ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nhiều cục nợ xấu ngân hàng có một phần nguyên nhân từ sự đổ vỡ chứng khoán.

Từ thực tiễn hiện nay và những trải nghiệm thời gian qua, đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu, đầy đủ hơn nữa về những hạn chế, mặt trái của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các giải pháp thiết thực để sửa luật lần này có thể vá được các lỗ hổng và tăng cường các công cụ để hoàn thiện thị trường, góp phần tạo nền tảng cho phát triển đất nước trong thời gian tới.

Phương Dung