1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đại biểu kiến nghị sửa quy định khiến nhiều “ông lớn” đầu ngành “lao đao"

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm sửa Nghị định về khống chế chi phí lãi vay gây khó cho nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua, đặc biệt là các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Đại biểu kiến nghị sửa quy định khiến nhiều “ông lớn” đầu ngành “lao đao - 1

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh).

Thảo luận tại Nghị trường Quốc hội chiều ngày 30/5, ông Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), đề cập tới Nghị định 20 vốn gây nhiều “ồn ào” dư luận trong thời gian qua bởi có sự ảnh hưởng lớn tới hàng loạt những Tập đoàn lớn nhất nước.

"Nghị định 20 có hiệu lực từ năm 2017 với mục tiêu là chống chuyển giá, chống thất thu thuế nhưng khoản 3 điều 8 lại rất chi là vướng cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp theo mô hình công ty mẹ - công ty con khi khống chế chi phí lãi vay không được quá 20% EBITDA. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét lại việc này”, ông Chuẩn nói.

Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20/2017-NĐ-CP ngày 24/2/2017 quy định "tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế” đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động suốt thời gian qua.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, quy định này vô tình gây ra khó khăn khi nhiều nơi, dù doanh nghiệp mẹ thừa vốn, công ty con thiếu vốn nhưng doanh nghiệp mẹ không dám cho vay như trước vì nếu không sẽ bị "liệt" vào danh sách chuyển giá. Vì thiếu vốn, công ty con lại phải vay bên ngoài với mức lãi suất cao. 

Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính phản ánh vì quy định này mà mỗi năm doanh nghiệp phải đóng thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tiền thuế.

Liên quan đến Nghị định này, thảo luận tại tổ trước đó, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, Bộ Tài chính đang nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp với tình hình Việt Nam. Tuy nhiên, việc nghiên cứu phải thực hiện kỹ để đảm bảo công bằng với cả doanh nghiệp FDI.

Đáng lưu ý, trong giải trình về Dự án Luật Quản lý thuế 
(sửa đổi) tại Hội trường sáng 24/5, Bộ trưởng Tài chính khẳng định vấn đề chuyển giá là vấn đề rất hệ trọng và chuyển giá trong giai đoạn đầu tư rất phức tạp, khó khăn, nên trong luật kỳ này cũng nêu vào trách nhiệm của các ngành để phối hợp làm định giá của đầu tư nước ngoài.

Sau phần giải trình của Bộ trưởng, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ đồng tình rằng Nghị định 20 đã góp phần chống trượt giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thành công.

Tuy nhiên, theo đại biểu, Nghị định lại tác động đến cả các doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết. Theo đó, giữa công ty mẹ và con cho vay lẫn nhau nhưng do bị khống chế chi phí lãi vay dẫn đến các doanh nghiệp này phải trả thêm khoản chi phí.

"Tôi thấy phần này không phù hợp. Tôi nghe Bộ trưởng trả lời trên truyền hình khi ban hành văn bản chúng ta không nên phân biệt đâu là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Đó là quan điểm đúng. Do đó, trong ban hành chúng ta không nên ghi doanh nghiệp nước ngoài hay trong nước mà chúng ta ghi là "doanh nghiệp có thuế suất khác nhau" thì chúng ta loại trừ được cho doanh nghiệp trong nước bị thiệt hại", ông Ngân nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng có đề nghị Thủ tướng điều chỉnh nhanh khoản 3 Điều 8 trong Nghị định 20 và chỉ nên áp dụng cho các doanh nghiệp có mức thuế suất khác nhau.

Ông Ngân cho rằng, mục tiêu chống chuyển giá, chống các công ty có vốn đầu tư nước ngoài liên kết với các đơn vị trong nước để chuyển giá nhưng cuối cùng, do định nghĩa không rõ ràng, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế không rõ ràng, dẫn đến các giao dịch liên kết giữa các công ty mẹ con ở trong nước, cùng một thuế suất cũng chịu thuế TNDN giống nhau, lại bị khống chế chi phí lãi vay là điều vô lý.

"Chúng ta chỉ nên áp dụng cho các giao dịch liên kết giữa các doanh nghiệp có thuế suất khác nhau. Ví dụ như thuế ở đây 20%, ở chỗ khác 0% hay 5% thì mới nghi ngờ có sự chuyển giá. Mình áp dụng đại trà nên gây khó khăn cho các công ty", ông nói thêm.

Phương Dung