1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu

(Dân trí) - Tính đến 31/8, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Chiều tối nay 26/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ”.

Dữ liệu do NHNN cung cấp cho hay, tính đến thời điểm 31/8, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác thu hồi nợ đạt kết quả hạn chế so với khối lượng nợ xấu tồn tại.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cho hay: Tính từ 2013 đến nay, VAMC đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 TCTD, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.

Hầu hết khoản nợ xấu đã mua đều có tài sản bảo đảm (TSĐB) là bất động sản (BĐS) hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả BĐS, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp ...

Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế về con người và mạng lưới hoạt động, trong khi số lượng khoản nợ VAMC đã mua rất lớn (trên 25.000 khoản), TSBĐ của các khoản nợ xấu đa dạng, phân tán tại nhiều nơi nên VAMC chưa thể trực tiếp quản lý để nắm bắt được đầy đủ thực trạng các khoản nợ mua từ TCTD, việc tổ chức thực hiện xử lý tài sản để thu hồi nợ kém hiệu quả. Hiện tại, VAMC chỉ có thể tập trung rà soát, phân loại đối với các khoản nợ có dư nợ lớn, số còn lại VAMC đã thực hiện ủy quyền các nội dung xử lý nợ ngay tại thời điểm mua nợ.

Cùng với đó, nguồn vốn của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ của VAMC, đặc biệt trong công tác mua bán nợ theo giá trị thị trường.

"Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng", Chủ tịch VAMC nhấn mạnh.


Đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Trên cơ sở lý luận, tình hình thực tế và với quan điểm về xử lý nợ xấu của các TCTD Việt Nam hiện nay, TS.Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị lựa chọn phương thức xử lý nợ xấu là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán và sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành.

"Phương thức xử lý nợ xấu này là sự hợp tác của cả 3 chủ thể: Nhà nước, doanh nghiệp nợ xấu và các NHTM, đồng thời chính là sự kết hợp của cả phương thức xử lý nợ xấu trực tiếp và gián tiếp qua thị trường, đảm bảo trách nhiệm đầy đủ của Nhà nước, các NHTM và các doanh nghiệp nợ xấu", TS. Kiên cho hay.

Theo đó, Nhà nước được thực hiện thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) tức là tiến hành chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ. Số lượng TPCP được phát hành ra căn cứ vào tổng giá trị nợ xấu và sẽ được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán, kể cả giao trên sàn giao dịch và giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp có nợ xấu và không có khả năng trả nợ sẽ chịu trách nhiệm đối với việc xử lý nợ xấu bằng cách phát hành phiếu nợ chuyển làm tài sản đối ứng với lượng TPCP được Nhà nước phát hành ra căn cứ vào số lượng nợ xấu.

Ngoài ra, các NHTM tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu này bằng cách chấp nhận TPCP hoặc/và cũng có thể chấp nhận cả PNCĐ của doanh nghiệp nợ xấu, coi như đã nhận được khoản thanh toán nợ xấu. Để thu hồi tiền từ xử lý nợ xấu, các NHTM có thể bán trái phiếu chính phủ trên thị trường cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo nhu cầu sử dụng vốn. Trên cơ sở thanh toán nợ xấu, tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp sẽ được giải chấp để đưa vào sản xuất kinh doanh và các NHTM có thể tiếp tục giải ngân các món vay mới cho các doanh nghiệp có nhu cầu vốn để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tận dụng những cơ hội mới.

Nguyễn Hiền