1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cung ứng điện khó khăn, EVN xin tăng công suất nhập khẩu

(Dân trí) - Sản lượng thủy điện sẽ giảm khoảng 2,67 tỷ kWh, tình hình cung cấp nhiên liệu khí và than gặp khó khăn, EVN dự kiến xin Chính phủ được đẩy nhanh, tăng công suất nhập khẩu điện từ các nước lân cận.

Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với Tập đoàn Điện lực (EVN) diễn ra hôm qua (13/2/2020) về “Tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và tình hình triển khai đầu tư các dự án điện tới năm 2025”.

Cung ứng điện khó khăn, EVN xin tăng công suất nhập khẩu - 1

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN báo cáo tình hình cung ứng điện

Báo cáo của EVN lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho hay, trong năm 2020, tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện được dự báo là thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Trong khi đó, tình hình cung cấp nhiên liệu khí và than vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chính bởi vậy, việc vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn và đảm bảo cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay được dự báo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, EVN phải thường xuyên cập nhật tình hình thủy văn để kịp thời điều chỉnh kế hoạch huy động các nguồn điện.

Theo báo cáo của EVN, kế hoạch huy động nguồn điện cập nhật so với kế hoạch đầu năm, sản lượng các nhà máy thủy điện sẽ giảm khoảng 2,67 tỷ kWh trong năm 2020.

Trước tình hình này, “ông lớn” ngành điện dự kiến sẽ phải tăng sản lượng điện phát từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng trên 1,9 tỷ kWh và từ các nhà máy nhiệt điện dầu khoảng trên 1,2 tỷ kWh.

Ngoài ra, EVN phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như bố trí lịch bảo dưỡng các tổ máy hợp lý, hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy nhiệt điện đảm bảo tính khả dụng cao nhất trong mùa khô và cả năm 2020.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để lập kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước cho phát điện và cấp nước hạ du; yêu cầu các đơn vị chủ động trong việc cung cấp, nhập khẩu than cho phát điện; giao công ty nguồn điện đấu thầu nhập khẩu khí LNG để bổ sung cho phát điện.

Đối với giai đoạn 2021-2025, để đảm bảo cung ứng đủ điện, hạn chế tối đa việc vận hành các nhà máy nhiệt điện dầu có giá thành cao để phát điện, EVN đề xuất nhà máy điện Hiệp Phước chuyển đổi nhiên liệu, sử dụng khí LNG và bổ sung quy hoạch dự án nâng công suất nhà máy lên 1.125 MW.

EVN cũng sẽ báo cáo Chính phủ xin được đẩy nhanh, tăng công suất nhập khẩu điện từ các nước lân cận.

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn nêu đề xuất tiếp tục khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời với mục tiêu đạt tổng công suất lắp đặt đến năm 2023 khoảng 14.500MW.

Cung ứng điện khó khăn, EVN xin tăng công suất nhập khẩu - 2

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (đứng giữa)

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã yêu cầu EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nguồn điện, sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công các dự án nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2025.

Lãnh đạo Ủy ban cũng lưu ý EVN phải chú trọng phát triển kịp thời các trạm biến áp, đường dây truyền tải để giải toả công suất, nhất là các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; đặc biệt chú trọng đến công tác điều độ, đảm bảo tuyệt đối an toàn hệ thống, chuẩn bị sẵn phương án dự phòng điện phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp, các sự kiện và ngày lễ lớn.

Theo ông Hoàng Anh, EVN cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn vốn và phát triển vốn Nhà nước tại tập đoàn này.

Nhiệm vụ đặt ra cho EVN là phải bảo đảm hoạt động của tập đoàn không chỉ tăng trưởng về doanh thu mà còn cả về chất lượng điện năng, không chỉ năm 2020 mà cả những năm tiếp theo. Song song với đó, chú trọng hơn nữa đến việc bảo về môi trường, nhất là các vấn đề liên quan đến tro xỉ nhiệt điện…

Mai Chi