1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cục thuế TPHCM: Thủ đoạn lách thuế của Công ty Asanzo rất tinh vi

(Dân trí) - Các công ty nhập khẩu hàng hóa cho Công ty Asanzo như Thái Bình Dương, Hưng Thịnh, Nam Tiến, Gia Bảo, Khải Phong…đều do người lao động của Asanzo và các công ty trực thuộc tập đoàn Asanzo làm đại diện pháp luật. Việc này nhằm mục đích trốn thuế.

Cục thuế TPHCM: Thủ đoạn lách thuế của Công ty Asanzo rất tinh vi - 1

Nhiều người lao động của Công ty Asanzo và các công ty trực thuộc tập đoàn này lại là người đại diện của các công ty nhập khẩu hàng hóa cho Asanzo. Ảnh: Đại Việt

Đại diện Cục Thuế TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa bán cho Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo) lại do chính người lao động của Công ty Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này làm đại diện pháp luật để “bùa phép” hóa đơn, trốn thuế

Theo Cục Thuế TPHCM, các công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký theo thông báo của cơ quan thuế chủ yếu do người lao động của Công ty Asanzo và các công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo làm đại diện pháp luật để nhập khẩu hàng hóa, linh kiện sản phẩm điện tử, điện gia dụng, điều hòa nhiệt độ xuất bán cho Công ty Asanzo và các công ty thuộc hệ thống của tập đoàn này, lập hóa đơn có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế GTGT và thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Dấu hiệu hành vi lập hóa đơn có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch thể hiện cụ thể như sau:

Sau khi Công ty Asanzo và các công ty thuộc hệ thống của Asanzo chuyển cho các công ty  nêu trên thì tiền được chuyển ngược lại cho công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo; hoặc bà Nguyễn Thị Hiền (vợ ông Phạm Văn Tam – CEO Công ty Asanzo) và các cá nhân là người lao động tại các công ty thuộc Tập đoàn Asanzo rút tiền ra với tổng số tiền là hơn 507 tỷ đồng.

Cục thuế TPHCM: Thủ đoạn lách thuế của Công ty Asanzo rất tinh vi - 2

Vợ ông Phạm Văn Tam - CEO Công ty Asanzo và nhiều người lao động đã rút hơn 507 tỷ đồng. Ảnh: Đại Việt

Điển hình như hành vi tại Công ty Trần Thoàn (phường Long Thạnh, quận 9, TPHCM). Tính đến ngày 30/6/2019, tổng trị giá hàng hóa đầu vào mua từ Công ty Trần Thoàn ghi nhận theo hóa đơn là hơn 71 tỷ đồng, số tiền chưa thanh toán hơn 47 tỷ đồng.

Qua xác minh tài khoản ngân hàng của Công ty Trần Thoàn cho thấy, sau khi tiền được chuyển từ Công ty Asanzo và Công ty Điện lạnh Asanzo thì Công ty Trần Thoàn đã thanh toán cho khách hàng nước ngoài, thanh toán cho các công ty nằm trong danh sách không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký và chuyển tiền cho Công ty CP Đầu tư Asanzo (thuộc hệ thống Asanzo) và Công ty CP đầu tư Asanzo cũng đang hạch toán vay tiền của Công ty Trần Thoàn hơn 34,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau khi tiền được chuyển từ Công ty Asanzo và các công ty trực thuộc tập đoàn này thì phát sinh sự việc bà Hoàng Thị Thu Trang - người lao động tại Công ty Asanzo đã rút tiền mặt tại Công ty Trần Thoàn.

Từ các kết quả thanh tra nêu trên, Cục Thuế TPHCM nhận định: Công ty Trần Thoàn là đơn vị nhập khẩu hàng hóa bán cho Công ty Asanzo. Qua thanh tra phát hiện Công ty Asanzo sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (hóa đơn ghi mặt hàng điều hòa nhiệt độ không phù hợp với thực tế là linh kiện) nhận từ Công ty Trần Thoàn, Công ty An Thiên, Công ty Việt Tài chỉ xuất linh kiện điều hòa nhiệt độ với mục đích trốn thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Hóa đơn do Công ty Trần Thoàn xuất cho Công ty Asanzo và Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch thể hiện thông qua việc Công ty Trần Thoàn chuyển tiền ngược lại vào tài khoản của Công ty CP Đầu tư Asanzo và cá nhân bà Hoàng Thị Thu Trang để cá nhân này rút tiền mặt.

“Cần làm rõ khoản tiền rút ra là tiền gì? Cần làm rõ số tiền Công ty Trần Thoàn chuyển ngược lại số tiền vào tài khoản Công ty CP Đầu tư Asanzo thuộc hệ thống Tập đoàn Asanzo, số tiền cá nhân nêu trên rút ra bằng tài khoản Công ty Trần Thoàn và khoản công nợ chưa thanh toán nhưng doanh nghiệp đã chấm dứt hoạt động không gắn với giá trị hàng hóa giao dịch để xác định phần giá trị hóa đơn cao hơn giá giao dịch với mục đích trốn thuế GTGT và thuế TNDN”, văn bản của Cục Thuế TPHCM gửi các cơ quan liên quan nêu rõ.

Cục thuế TPHCM: Thủ đoạn lách thuế của Công ty Asanzo rất tinh vi - 3

Nhiều đối tác của Công ty Asanzo "có vấn đề" và được đưa vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng. Ảnh: Đại Việt

Tương tự, qua thanh tra tại hơn chục doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa bán cho Công ty Asanzo gồm: Công ty TNHH SX Thái Bình Dương; Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hưng Thịnh; Công ty TNHH SX PT TMDV Nam Tiến; Công ty TNHH ĐTTM XNK Gia Bảo; Công ty TNHH XNK Khải Phong… Cục Thuế TPHCM cũng phát hiện các hành vi vi phạm tương tự như trường hợp của Công ty Trần Thoàn.

Các công ty này đều do người lao động của Tập đoàn Asanzo đứng tên là người đại diện pháp luật để nhập khẩu hàng hóa, linh kiện điện tử, điện gia dụng, điều hòa nhiệt độ để xuất bán cho Công ty Asanzo và các công ty thuộc tập đoàn này. Các công ty có dấu hiệu xuất hóa đơn cho Công ty Asanzo ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế VAT và thuế Thu nhập doanh nghiệp…

Tất cả các trường hợp nêu trên, Cục Thuế TPHCM đã chuyển toàn bộ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM điều tra làm rõ.

Đại Việt