1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Cú “sập sàn” kinh điển của “ông lớn ngành sợi”: Người trong cuộc lên tiếng

(Dân trí) - Chỉ hơn 1 tháng qua, cú “sập sàn” đã “cuốn phăng” gần 85% giá trị FTM, giá trị vốn hoá của Fortex trên thị trường cũng “bay hơi” tương ứng, đến nay còn 185,5 tỷ đồng. Cổ phiếu FTM đang diễn biến rất tiêu cực bất chấp nỗ lực truyền tải thông tin của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) vừa đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần với tình trạng giảm sàn tiếp diễn.

Mức giá của mã này đã lùi sâu về 3.710 đồng/cổ phiếu. Tính đến nay, FTM đã có tới 29 phiên giảm giá liên tục, trong đó đến 26 phiên giảm sàn, đáng nói là xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cú “sập sàn” kinh điển của “ông lớn ngành sợi”: Người trong cuộc lên tiếng - 1

FTM đổ đèo lao thẳng một mạch trong hơn 1 tháng qua và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại

Từ mức giá 24.200 đồng của phiên 9/8, tính ra, cú “sập sàn” đã “cuốn phăng” gần 85% giá trị FTM và giá trị vốn hoá của Fortex trên thị trường cũng “bay hơi” tương ứng, đến nay còn 185,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu FTM đang diễn biến rất tiêu cực bất chấp những nỗ lực truyền tải thông tin của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Lãnh đạo Fortex cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, công ty này ghi nhận mức lỗ lên đến hơn 31 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng giá bông nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể trong khi sản lượng và giá bán sợi sụt giảm. Theo nhìn nhận của lãnh đạo Fortex, đây là lý do dẫn đến một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FTM lo ngại và bán số lượng lớn ra thị trường.

Trong một thông tin đưa ra trước đó ít ngày, Fortex cũng công bố lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu giảm gần 24% còn 459 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của công ty sụt giảm đáng kể và có mức lợi nhuận âm là do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng trong thời gian qua.

Cụ thể trong số 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ bị áp thuế có tới 25% mặt hàng vải. Do đó, thị trường Trung Quốc trở nên thận trọng, kìm hãm sản xuất vải. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới ngành sợi Việt Nam.

Cú “sập sàn” kinh điển của “ông lớn ngành sợi”: Người trong cuộc lên tiếng - 2

Fortex vừa gánh thiệt hại nặng nề từ chiến tranh thương mại

Fortex cho biết, trên thực tế, 70% lượng sợi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Vì thế, không chỉ riêng công ty này mà các đơn hàng xuất khẩu sợi của Việt Nam đều rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp ngành sợi có lượng hàng tồn kho ở mức cao. Trong khi đó, giá xuất khẩu bị ép giảm mạnh do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Tại thông báo phát ngày 20/9, Fortex cho biết, thời gian vừa qua, công ty này liên tục tiếp nhận các câu hỏi của các nhà đầu tư và các cơ quan chức năng về tình hình hoạt động của công ty. Trong bản thông cáo vừa phát hành, lãnh đạo Fortex khẳng định công ty vẫn “đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với ba ca sản xuất liên tục”.

Ngoài ra, do tồn tại những nghi vấn về tình trạng thao túng giá tại mã cổ phiếu này liên quan đến nguyên Chủ tịch công ty là ông Lê Mạnh Thường nên “khó khăn càng chồng chất khó khăn”. Không chỉ cổ phiếu bị mất thanh khoản khiến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu bị tác động tiêu cực mà thông tin này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, ban lãnh đạo hiện tại của Fortex được khẳng định không hề liên quan đến bất kỳ hoạt động nào về giá cổ phiếu trên thị trường.

Dẫu vậy, khi nói về tình hình kinh doanh, lãnh đạo Fortex vẫn thừa nhận, hiện ngành sợi đang còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đang “thắt lưng buộc bụng” với kết quả không mấy khả quan.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, vẫn còn sớm để đưa ra dự báo về triển vọng ngành trước những biến động thăng trầm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Fortex ghi nhận, công ty này hiện có khoảng 1.000 lao động. Ban lãnh đạo Fortex cho biết, trước tình hình kinh doanh khó khăn như trên, công ty hiện đang nỗ lực tập trung nâng cao kết quả hoạt động, tích cực mở rộng các thị trường xuất khẩu mới như Hàn Quốc và Thái Lan để giảm thiểu sự phụ thuộc từ thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh nói trên, một điều bất ngờ đã diễn ra và khiến cổ đông FTM không khỏi thất vọng. Ngày 14/9, Fortex nhận được đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Hoàng Giang. Ông Giang không còn là Chủ tịch Fortex kể từ ngày 16/9.

Thực tế diễn ra tại Fortex không ai mong muốn, đặc biệt là ảnh hưởng đến đời sống của 1.000 người lao động ở đây. Song, minh bạch là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo môi trường lành mạnh cho thị trường chứng khoán, và không còn cách nào khác là FTM cũng như cổ đông của công ty này cần chờ đợi kết luận cuối cùng từ phía cơ quan chức năng.

Chân dung "ông lớn" sản xuất sợi hàng đầu Việt Nam vừa trải qua 26 phiên cổ phiếu giảm sàn

Mai Chi