1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Corona – Cơn ác mộng với ngành du lịch biển

(Dân trí) - Các công ty du lịch vẫn chưa tiết lộ dữ liệu về số lượng khách hàng đặt vé trong thời gian này, nhưng một số cố vấn du lịch nói rằng doanh thu của họ đã giảm tới 15%.

Corona – Cơn ác mộng với ngành du lịch biển - 1
Một hành khách đang đứng duỗi dài đôi tay của mình trên ban công của tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly, nơi có ít nhất 218 người mắc phải coronavirus. Ảnh: Reuters

Đối với ngành công nghiệp du lịch biển, Corona virus là một cơn ác mộng đối với họ.

Trong hơn một tuần qua, thế giới đã chứng kiến con tàu Diamond Princess bị cách ly ở cảng Yokohama của Nhật Bản, 3.600 hành khách và phi hành đoàn bị mắc kẹt lại trên tàu và số người bị nhiễm coronavirus lên tới 218 người.

Một con tàu thứ hai là MS Westerdam cũng lênh đênh ở trên vùng biển phía nam Trung Quốc và không thể cập bến 5 cảng biển vì lo ngại rằng một người trên tàu bị nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực nơi họ tới.

Tại Bayonne, N.J., bốn hành khách Trung Quốc trên một tàu du lịch đã bị cách ly một thời gian ngắn vì nghi nhiễm Corona Virus, cùng lúc đó, những nhân viên y tế đã đến và kiểm tra sức khỏe của hơn hai chục hành khách trên tàu. Và hóa ra họ hoàn toàn không bị nhiễm Corona virus.

Trước đó, các tàu du lịch cũng đã từng phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như dịch norovirus, một loại virus có thể lây lan cho toàn bộ du khách trên thuyền và gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa. Hoặc một cuộc khủng hoảng khác là vụ chìm tàu Costa Concordia năm 2012 khiến 32 người thiệt mạng còn thuyền trưởng thì bị mắc cạn ngoài khơi nước Ý. Nhưng hiện nay COVID-19 và sự lây lan không có điểm dừng của nó có thể là thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp du thuyền.

Các công ty du lịch vẫn chưa sẵn lòng tiết lộ bất kỳ dữ liệu nào về những tác động của Corona virus đối với ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 45,6 tỷ USD trong những tuần kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng một số cố vấn du lịch nói rằng số lượng khách đặt vé du lịch đã giảm 10 - 15%.

Các công ty, bao gồm các hãng lớn nhất như Norwegian Cruise Lines và Carnival Cor, cũng từ chối bình luận về vấn đề trên và đưa ra các tuyên bố nhắc lại rằng ưu tiên hàng đầu của họ là an toàn cho hành khách. Mỗi tuyến hành trình cũng sẽ có các biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn cho những du khách trên thuyền.

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng ngành du lịch trên biển ở châu Á và Thái Bình Dương đang đặc biệt khó khăn”, Alex Sharpe, chủ tịch và giám đốc điều hành của Signature Travel Network, một tập đoàn gồm 7.000 cố vấn du lịch cho biết “nhu cầu mới cho các chuyến du lịch trên biển hiện tại rất thấp và các chuyến đi mùa xuân không thể bán được tại thị trường của chúng tôi.”

Ông Hardiman, thuộc Wedbush Securities đã chia sẻ rằng: “Nếu du lịch biển không có được sự ủng hộ thì điều này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng đối với du lịch Trung Quốc trong một thời gian rất dài”.

Theo Hiệp hội thương mại quốc tế Cruise Lines, Trung Quốc là một trong những thị trường tăng trưởng lớn nhất trong ngành công nghiệp du lịch vào những năm gần đây và các chuyến đi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 10% trong ngành, số lượng tàu được triển khai ở châu Á đã tăng 53% trong giai đoạn 2013-2017.

Nhưng với tình hình bùng phát của Corona virus hiện nay, số lượng cảng cấm các tàu du lịch cập bến đã ngày càng tăng trên khắp Thái Bình Dương, từ Busan, Hàn Quốc đến các cảng Lifou, Mare và Isle of Pines của Caledonia. Tại Hồng Kông, các cảng biển đã bị đóng cửa kể từ ngày 6/2.

Những hành khách nói rằng thay vì việc cố gắng giúp đỡ khách hàng của mình, các công ty du lịch không hề cởi mở và không đưa ra được những sự giúp đỡ hữu ích. Maranda Priem, 24 tuổi, ở Washington, DC, và người mẹ 53 tuổi của cô, đến từ Minnesota, đã đặt vé du lịch ở trên tàu Norwegian Jade, một con tàu chứa 2.200 hành khách thuộc công ty Norwegian Cruise Lines, dự kiến khởi hành từ Hồng Kong vào ngày 17 tháng 2 cho một hành trình dừng ở Singapore, Việt Nam và Thái Lan.

Khi mối lo ngại của cô về Corona virus tăng lên, cô Priem liên tục gửi email và gọi cho công ty hỏi liệu cô có thể chuyển sang hành trình khác hoặc nhận khoản tiền hoàn lại hay không. Nhưng yêu cầu của cô đã bị từ chối. Trong một email gửi cho cô vào ngày 4/2, Roxane Sanford, điều phối viên quan hệ khách hàng cho hãng tàu đã nhắc nhở Priem rằng: “Trung Quốc Đại Lục không bao gồm Hồng Kông, Ma Cao hay Đài Loan, và nói thêm rằng, chắc chắn công ty không thể tiến hành hủy bỏ vé và hoàn tiền”.

Khi cảng Hồng Kông đóng cửa, công ty chuyển chuyến đi đến Singapore, một sự thay đổi trong hành trình và yêu cầu Priem cũng như các hành khách khác phải đặt lại chuyến bay của họ và chịu thêm các khoản chi phí phát sinh nếu có. Vào thứ tư vừa rồi, cô đã quyết định hủy bỏ chuyến đi mà không biết liệu cô sẽ nhận được gần 1.700 USD mà cô đã đặt cho hãng hay không.

Cô nói rằng “đó là một cơn ác mộng của tôi với công ty Norwegian Cruise Lines.”

Jim Walker, một luật sư hàng hải đại diện cho những người kiện các tàu du lịch nói rằng, ông đã nhận được số lượng cuộc gọi cao hơn đáng kể từ các khách du lịch đang tìm kiếm cách đối phó với những chuyến du lịch trên biển có hành trình bị thay đổi mà không được hoàn lại tiền hoặc thay đổi lịch trình.

Vào thứ tư vừa qua, cảng Sihanoukville ở Campuchia, cuối cùng đã đồng ý cho tàu cập bến. Holland America Line chủ du thuyền MS Westerdam cho biết, ngoài việc hoàn trả lại đầy đủ chi phí cho hành trình, họ sẽ sắp xếp và trả tiền cho tất cả các hành khách trên chuyến bay về nhà.

Royal Caribbean hãng sở hữu tàu Anthem of the Seas nói rằng “dịch Corona virus sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của hãng”. Trong một chuyến du lịch trên biển dài 4 ngày 3 đêm sắp tới của mình, công ty đã tuyên bố rằng những người có hộ chiếu Trung Quốc sẽ không được phép tham gia hành trình của Royal Caribbean. Tuy nhiên, đứng trước những phản đối kịch liệt từ công chúng, chuyến du thuyền này đã buộc phải hủy bỏ.

Ông Hardiman, thuộc Wedbush Securities, ước tính rằng Royal Caribbean sẽ phải trả khoảng 4 triệu USD để hủy chuyến du thuyền dài 4 ngày 3 đêm này.

Erika Richter, giám đốc truyền thông của Hiệp hội Cố vấn Du lịch Mỹ nói rằng, nhu cầu du lịch trên biển đã đi theo quỹ đạo tăng trước khi có tin tức về coronavirus bùng phát. Tuy nhiên, theo một cố vấn, con số này hiện đã giảm từ 10 đến 15% .

Thùy Dung

Theo Ny Times