1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Công ty Trung Quốc tháo chạy khỏi châu Phi vì sợ Ebola

(Dân trí) - Những năm gần đây, bất chấp nội chiến và các cuộc đảo chính quân sự ở châu Phi, các công ty Trung Quốc vẫn đổ tới châu lục này để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Nhưng dịch Ebola nổ ra đã đảo lộn tất cả.


Mấy tháng trở lại đây, các công ty Trung Quốc ồ ạt sơ tán công nhân khỏi các nước có dịch Ebola tại Tây Phi, khiến hoạt động thương mại tại các nước này suy giảm và các dự án quan trọng rơi vào đình trệ.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại châu Phi. Năm ngoái, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và 3 quốc gia tâm dịch Ebola là Liberia, Sierra Leone, và Guine đạt mức 5,1 tỷ USD. Khi dịch Ebola bùng phát, nhu cầu của Trung Quốc đối với các loại hàng hóa mà các nước này sản xuất, chẳng hạn quặng bauxite của Guinea, giảm mạnh.

Tại Liberia, một dự án trị cải tạo đường bộ trị giá 80 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) rót vốn đã rơi vào đình trệ sau khi nhà thầu Trung Quốc, công ty China Henan International Cooperation Group, rút gần như toàn bộ công nhân khỏi nước này vào tháng 8. Hiện chưa rõ cho tới bao giờ dự án này mới được thi công trở lại.

Trung Quốc chưa công bố kế hoạch chính thức sơ tán công dân khỏi vùng dịch Ebola, nhưng số liệu chính thức cho thấy, công dân Trung Quốc sống và làm việc tại các nước bị ảnh hưởng đã giảm mạnh.

Hồi tháng 8, Bộ Công Thương Trung Quốc cho biết có khoảng 20.000 người nước này sống ở các quốc gia có dịch Ebola, làm việc trong các dự án làm đường, khai mỏ và nông nghiệp. Còn hiện tại, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, số người Trung Quốc sống ở khu vực có dịch Ebola chỉ còn khoảng 10.000 người, tức là giảm khoảng một nửa so với cách đây 2 tháng.

Sự tháo chạy của các công ty Trung Quốc khỏi Tây Phi được cảm nhận rõ hơn cả ở Sierra Leone. Những nhà hàng nhìn ra Đại Tây Dương ngày nào còn đông chật khách Trung Quốc giờ vắng bóng người. Trên đường, nững chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân Ebola thay thế cho những chiếc xe chở công nhân Trung Quốc tới công trường.

China Civil Engineering Construction, một công ty xây dựng Trung Quốc ở Sierra Leone, đã đưa kỹ sư và nhiều công nhân về nước, gác lại các dự án ở đây. Nhà khai mỏ Trung Quốc China Kingho Energy Group cũng cho lãnh đạo công ty ở Sierra Leone về nước, tạm hoãn dự án khai mỏ sắt lớn được công bố hồi đầu năm.

Khách sạn Bintumani Hotel trước đây vốn thường đón các đoàn doanh nhân đến từ Trung Quốc nay chuyển thành nơi ở cho các nhân viên y tế được Bắc Kinh cử sang giúp Sierra Leone chống dịch Ebola.

Một số ông chủ Trung Quốc vẫn đang chờ dịch Ebola ở Tây Phi qua đi để tiếp tục làm ăn. “Ebola có thật, nhưng các cơ hội kinh doanh vẫn có thật”, ông Zhang Wenguo, Phó giám đốc khách sạn Bintumani, nói với giọng lạc quan.

Nhưng cũng có không ít người cảm thấy lo sợ. Giám đốc một công ty chế biến hải sản đến từ Thanh Đảo, Trung Quốc, nói, ông sẽ ở Sierra Leone 1 tháng để xem xét tình hình trước khi quyết định rút lui khỏi thị trường này hay không. Ông này nói, hiện rất khó đưa được công nhân lành nghề ở Trung Quốc sang, trong khi những công nhân còn đang ở Sierra Leone lại muốn về nước vì sợ Ebola.

“Tôi không cho là Sierra Leone sẽ sớm thoát khỏi Ebola”, ông nhận xét.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/10 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực tiểu Sahara châu Phi xuống 5% từ mức 5,5% trước đó, một phần do ảnh hưởng từ dịch Ebola. Theo các chuyên gia, tác động kinh tế của dịch Ebola không chỉ hạn chế ở các quốc gia có dịch mà đã lan ra gần như toàn bộ châu Phi.

Phương Anh
Theo WSJ
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”