1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Công ty đa cấp phải chi hoa hồng, trả thưởng qua chuyển khoản

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa công bố Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014 quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Theo đó, bổ sung hàng loạt quy định siết loại hình kinh doanh này.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Hiện nay, hoạt động bán hàng đa cấp được quy định chi tiết tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP và một số văn bản khác nhưng tới nay bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, không còn đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này. Điều này dẫn tới một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động vốn nhằm thu lợi bất chính cũng như thực hiện các hành vi vi phạm mới, để lại những hậu quả về kinh tế - xã hội.

Các ý kiến, kiến nghị của các Sở Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới bán hàng đa cấp đối với các đối tượng không phải là hàng hóa, hệ thống quản lý mạng lưới các nhà phân phối, mô hình trả thưởng, tiếp nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp, tiền ký quỹ, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, vấn đề ký gửi hàng hóa của người tham gia...

Những vấn đề này mặc dù hầu như đã được quy định tại Nghị định số 42/2014/NĐ-CP tuy nhiên trước bối cảnh hiện nay và trong thời gian sắp tới cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng và khả thi hơn. Theo đó, các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều có kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

So với Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định bao gồm một số thay đổi cơ bản. Trong đó, Dự thảo mới mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thêm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đồng thời, bổ sung quy định bảo đảm khả năng kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Cụ thể, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý nhà phân phối để nhà phân phối có thể truy cập và truy xuất các thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp của họ. Yêu cầu doanh nghiệp xây dựng và vận hành website, phải công bố, cập nhật giá bán của sản phẩm, công khai thông tin về hoạt động bán hàng đa cấp, quy trình thực hiện các giao dịch với người tham gia bán hàng đa cấp, việc xử lý vi phạm, chấm dứt hợp đồng của người tham gia bán hàng đa cấp.

Đồng thời, yêu cầu có đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà phân phối và người tiêu dùng, phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền. Yêu cầu thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản...

Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã không còn quy định về vốn pháp định và đăng ký ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, các quy định tương ứng trong điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP cũng được loại bỏ. Về ký quỹ, để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp khi phát sinh tranh chấp, Dự thảo Nghị định nâng cao mức ký quỹ tối thiểu lên 10 tỷ đồng và hàng năm cần có quy định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện ký quỹ tương ứng với quy mô mạng lưới hoặc doanh thu của doanh nghiệp.

Thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng các hình thức trung gian thương mại (đại diện, môi giới, ủy thác, đại lý) để phát triển và mở rộng mạng lưới của mình. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp với người tham gia bán hàng đa cấp, một số doanh nghiệp đã đùn đẩy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trung gian này. Các cơ quan quản lý không thể quy trách nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp mà chỉ có thể xử lý các tổ chức, cá nhân trung gian, làm giảm hiệu quả thực thi của pháp luật. Do đó, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp không được tổ chức các hoạt động trung gian thương mại phục vụ trực tiếp cho việc duy trì, phát triển và mở rộng mạng lưới bán hàng đa cấp của mình.

Song song với việc nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, Dự thảo Nghị định bổ sung quy định cấm người tham gia bán hàng đa cấp đã từng bị xử phạt do không tuân thủ các quy định về quản lý kinh doanh đa cấp không được tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp.

Dự thảo cũng bổ sung quy định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Theo đó, yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ được phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp sau khi có xác nhận đăng ký bán hàng đa cấp bằng văn bản.

Yêu cầu doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được phép tổ chức hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Bổ sung thẩm quyền của các Sở Công Thương trong việc thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp tại địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu tăng cường kiểm soát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, Dự thảo Nghị định đã nâng cao điều kiện hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp và các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định cũng đơn giản hóa một số thủ tục hành chính để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong quá trình hoạt động.

Phương Dung