1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Con tàu” kinh tế đang đúng hướng

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì trạng thái ổn định và khởi sắc hơn trong năm 2015. Nếu cầu nội địa cải thiện, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam có thể tăng lên rõ rệt.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Việt Nam.
 
Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục qua thời kỳ phục hồi chậm chạp. GDP tăng trưởng chậm cùng và lạm phát thấp hơn mục tiêu ở các nước đang phát triển đang lặp lại ở các thị trường mới nổi vốn được dự báo là đầu tàu kinh tế của thế giới.

Tại Việt Nam, tình hình tương tự cũng diễn ra khi lạm phát thấp do cầu nội địa vẫn ở mức yếu, tăng trưởng tín dụng chưa thể quay lại mức thích hợp cho một nền kinh tế mới nổi đang phát triển.

Ổn định trong ngắn hạn

Trong lúc ngành sản xuất của Việt Nam đang ngày càng mạnh lên thì ngành dịch vụ lại hầu như không phát triển. Dù nhân khẩu học chuyển biến mạnh và thu nhập tăng nhưng cầu nội địa yếu và nợ xấu cao trong hệ thống tài chính đã kìm hãm sức phát triển của ngành dịch vụ.

Tín dụng được rót cho khối doanh nghiệp nhà nước đã khiến tăng trưởng thu nhập của rất nhiều nhân công bị chững lại, nhất là người lao động ở phía Bắc. Chúng ta có thể thấy người dân đang thắt chặt chi tiêu và giảm độ chấp nhận rủi ro.

Các hoạt động trong ngành bất động sản, dịch vụ tài chính và ngân hàng, các dịch vụ chăm sóc hộ gia đình và ngành bán lẻ đều cho thấy sức phát triển yếu ớt.

Cho đến khi niềm tin người tiêu dùng hồi phục, tôi thấy rằng xuất khẩu hầu như là điểm sáng duy nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại của khối doanh nghiệp trong nước đã giảm, còn thặng dư thương mại của khối doanh nghiệp nước ngoài tăng góp phần ổn định tiền tệ và nền kinh tế.

Và một số hiệp định thương mại đã và đang được ký kết cộng với kỳ vọng về TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2015.

Trong trung hạn, tôi tin Việt Nam cần cải cách thị trường lao động, tài chính, cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp hỗ trợ để nền kinh tế có thể phát triển bền vững.

Hiện tại, Việt Nam chưa tận dụng hết các lợi ích từ FDI, nhất là việc tiếp thu công nghệ khi chưa tạo ra sự kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp nước ngoài và thiếu tay nghề lao động.

Một ví dụ là ngành xuất khẩu điện thoại và các phụ kiện điện thoại đang là một ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, đóng góp đến 15,6% tổng giá trị xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay, từ mức 0% vào năm 2010.

Samsung, một cái tên lớn về sản xuất các sản phẩm điện tử, đã thể hiện nhu cầu mua linh kiện và phụ kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhưng các doanh nghiệp trong nước lại chỉ có thể cung cấp các mặt hàng đơn giản như bao bì, in ấn trong khi các linh kiện khác mặc dù đơn giản như sạc pin, vỏ nhựa, tai nghe... thì lại chưa thể cung cấp.

Nếu chúng ta không thể tăng tốc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho đầu tư nước ngoài, các nước láng giềng như Thái Lan sẽ tận dụng cơ hội này, nhất là khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) cho phép thuế suất của các mặt hàng trong khối ASEAN giảm xuống 0%.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã rời Việt Nam khi không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây điện hay đồ nhựa...

Theo JETRO, tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang mua ở Việt Nam còn thấp, mới chỉ đạt 28% trong khi ở Indonesia là 43%, Thái Lan là 53% và Trung Quốc là 61%.

Tăng tính cạnh tranh các ngành kinh tế

Kinh tế Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Mục tiêu tăng trưởng 6,2% cho năm 2015 do Nhà nước đặt ra phản ánh kỳ vọng xuất khẩu và đầu tư sẽ mạnh hơn, tiêu dùng cá nhân sẽ dần cải thiện. Bên cạnh đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, phản ánh giá dầu thấp cũng như tăng trưởng tín dụng còn yếu.

Chúng ta cũng chưa biết mục tiêu thâm hụt ngân sách nhà nước ở mức 5% GDP có đạt được không, nhất là khi có các tham vọng thúc đẩy vốn đầu tư xã hội lên 30-32%. Chúng tôi kỳ vọng CPI tiếp tục giảm do giá dầu và áp lực giá cả vận chuyển đều giảm.

Sản lượng sẽ tiếp tục tăng như chỉ báo chính của đơn hàng mới trừ đi lượng hạng tồn kho theo khảo sát PMI và dự báo tăng trưởng tín dụng tăng lên. Thương mại sẽ bật tăng trở lại do nhu cầu từ thị trường Mỹ tăng.

Nếu cầu nội địa cải thiện, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam có thể tăng lên rõ rệt. Việt Nam cũng đã trải qua chu kỳ cắt giảm vay vốn trước các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á, góp phần giúp Việt Nam có lợi thế hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á khi thanh khoản toàn cầu dần cạn kiệt.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có nhiều đầu tư gián tiếp, điều đó khiến Việt Nam phải cải thiện một số mặt chưa hiệu quả của nền kinh tế. Nếu đất nước tiếp tục phát triển không phụ thuộc quá mức vào tín dụng, nhất là khi tái cấu trúc ngành tài chính và khối doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chúng ta sẽ có thể duy trì một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Tuy vậy, sự cạnh tranh trong giao thương và đầu tư sẽ cao hơn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, Chính phủ cần chủ động cải thiện tính cạnh tranh bao gồm cơ sở hạ tầng, tính kết nối, quản lý tài nguyên con người và thiên nhiên.

Các dòng vốn FDI đang bù đắp cho sức cầu nội địa yếu. Tuy nhiên, đây không phải là chiến lược lâu dài vì tiền lương, thế mạnh cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam hiện nay, chắc chắn sẽ tăng và do đó làm mất đi tính cạnh trạnh.

Theo Phạm Hồng Hải
VnEconomy