1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Con đường thâu tóm Nước sạch Sông Đà của nhóm đại gia bí ẩn

(Dân trí) - Chủ tịch của Năng lượng Gelex - đơn vị nắm giữ hơn 60% cổ phần tại Nhà máy Nước sạch Sông Đà chính là một doanh nhân sinh năm 1984 khá có tiếng trong làng tài chính với hàng loạt thương vụ M&A đình đám.

Con đường thâu tóm Nước sạch Sông Đà của nhóm đại gia bí ẩn - 1

Ông Nguyễn Văn Tuấn là doanh nhân 8X nổi tiếng trong giới tài chính.

Như Dân trí đưa tin, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) hiện có 2 cổ đông lớn, bao gồm: Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần và Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần.

Công ty Năng lượng Gelex là công ty con của Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).  

Cuộc đua thâu tóm Viwasupco

Viwasupco vốn thuộc sở hữu của Vinaconex. Tuy nhiên, cuối năm 2017, Vinaconex đã bán toàn bộ cổ phần thoái vốn tại Nước sạch Sông Đà. Khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Sinh Thái và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đã tham gia vào cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp này.

Sau khi liên tục mua vào từ Vinaconex, Công ty Đầu tư phát triển Sinh Thái sở hữu 50,42% cổ phần tại Viwasupco. REE của doanh nhân Mai Thanh theo sau khi chỉ sở hữu 17,34 triệu cổ phần tương ứng 34,68% cổ phần của Nước sạch Sông Đà.

Tuy nhiên, sau đó Sinh Thái bất ngờ sang tên 25,21 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex ngày 4/1/2018. Tiếp đó, công ty con của Gelex liên tiếp mua vào cổ phiếu của Viwasupco. 

Chủ tịch của Năng lượng Gelex chính là ông Nguyễn Văn Tuấn - doanh nhân sinh năm 1984, tại Hà Nam. Ông Tuấn nổi tiếng trên thương trường với những thương vụ M&A đình đám như vụ mua cổ phần thoái vốn tại Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam từ Bộ Công Thương ngay trên sàn. Trước đó là Công ty Dây cáp điện Việt Nam (CAV)… 

Hiện đại gia trẻ này nắm nhiều chức vụ gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam, Chủ tịch Công ty Dây cáp điện Việt Nam, Chủ tịch  Công ty TNHH Thiết bị điện, Phó chủ tịch Công ty TNHH S.A.S - CTAMAD, Phó Chủ tịch Công ty Hạ tầng Fecon. 

Mới đây nhất, nhóm của đại gia trẻ này còn thực hiện cuộc thâu tóm Tổng công ty Viglacera. Ông Tuấn sau đó cũng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viglacera

Theo báo cáo thường niên năm 2018 của Gelex, phía Gelex hoàn tất việc mua lại cổ phần tại Viwasupco và nâng tỷ lệ sở hữu lên mức hiện tại trong năm 2018.

Cụ thể, vào ngày 4/1/2018, Công ty Năng lượng Gelex đã hoàn thành việc mua 12.340.000 cổ phiếu (tương đương với 24,68% vốn điều lệ) trong Công ty Viwasupco. Qua đó, Công ty Viwasupco đã trở thành công ty liên kết của Tập đoàn từ ngày này.

Vào ngày 26/2/2018, Công ty Năng lượng Gelex đã mua thêm 11.210.000 cổ phiếu (tương đương với 22,42% vốn điều lệ) trong Công ty Viwasupco, nâng tổng số cổ phần nắm giữ trong Công ty Viwasupco lên mức 47,1%.

Vào ngày 28/3/2018, Công ty Năng lượng Gelex đã tiếp tục mua thêm 2.130.000 cổ phiếu (tương đương với 4,26% vốn điều lệ) trong Công ty Viwasupco, nâng tổng số cổ phần sở hữu trong Công ty Viwasupco lên mức 51,36%. Theo đó, Công ty Viwasupco đã trở thành công ty con của Tập đoàn từ ngày này. 

Sau đó, Công ty Năng lượng Gelex đã tiếp tục mua thêm 9,1% sở hữu trong công ty Viwasupco, nâng tỷ lệ sở hữu trong Công ty Viwasupco lên 60,46% hiện tại.

Gelex lý giải lý do mua cổ phần của Công ty Viwasupco nhằm mục đích phát triển mảng kinh doanh năng lượng.

Thu về 189 tỷ đồng sau 9 tháng

Tiết lộ về khoản đầu tư này, Gelex cho biết, kể từ ngày 28/3/2018 (ngày mua) đến hết năm 2018, Công ty Viwasupco đã đóng góp hơn 189,164 tỷ đồng vào lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn.

Số tiền chi ra để mua công ty con được ghi nhận hơn 104 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền thuần thu về từ nghiệp vụ tính đến hết năm 2018 là hơn 85 tỷ đồng.

Trước thời điểm Gelex mua vào, doanh thu và lợi nhuận thuần trước thuế của Công ty Viwasupco từ ngày 1/1/2018 đến ngày 28/3/2018 tương ứng là 95,54 tỷ đồng và 41,29 tỷ đồng.

Tính chung trong năm 2018, Công ty Nước sạch Sông Đà đã bán ra 91 triệu m3 và đạt doanh thu 468 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 218 tỷ đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận của một công ty nước sạch khi cứ 2 đồng thu về công ty lại lãi 1 đồng.

Năm 2019, Công ty Nước sạch Sông Đà đặt mục tiêu doanh thu 534 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 183 tỷ. Kế hoạch khá thận trọng với sự giảm nhẹ của lợi nhuận nhưng thực hiện lại cao hơn nhiều.

Theo cập nhật của công ty, 6 tháng năm 2019 doanh nghiệp đạt doanh thu 263 tỷ, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng chỉ 113 tỷ. Trong khi các chi phí tài chính, chi phí bán hàng không đáng kể khiến lợi nhuận từ kinh doanh tăng lên 133 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng đạt 126 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Viwasupco đạt 1.477 tỷ đồng. Nợ phải trả của Nước sạch Sông Đà là 453 tỷ, trong đó chủ yếu là người mua trả tiền trước. Công ty có khoản vay nợ dài hạn 387 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.023 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 271 tỷ.

 Phương Dung