1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cổ phần hóa “ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước: Phải kiểm toán kết quả định giá

(Dân trí) - Việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm, có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản số 1532/TTg-ĐMDN về việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn.

Văn bản này được ban hành nhằm nâng cao tính chặt chẽ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy mô lớn.

Định giá doanh nghiệp là một trong những khâu dễ xảy ra lợi ích nhóm và tham nhũng trong quá trình cổ phần hóa DNNN
Định giá doanh nghiệp là một trong những khâu dễ xảy ra lợi ích nhóm và tham nhũng trong quá trình cổ phần hóa DNNN

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp.

Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Bộ Tài chính được giao trước ngày 15/9/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế.

Việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Mới đây, Thường trực Chính phủ cũng đã có một cuộc họp với các bộ ngành bàn về chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Số tiền thu về được từ việc bán cổ phần Nhà nước tại 10 doanh nghiệp này dự kiến lên tới 3 tỷ USD.

Chỉ đạo tại cuộc họp này, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên và trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), bán vốn Nhà nước nói chung đó là “phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước”.

Thủ tướng cũng yêu cầu, khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất tính riêng. Đồng thời, có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, Vinamilk sau khi bán vốn nhà nước.

Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 22/6, đã có 39 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 39 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 27.061 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 21.631 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 39 đơn vị là 21.069 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 9.890 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.050 tỷ đồng, bán cho người lao động 258 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 1,8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 3.868 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng qua, các đơn vị đã thoái được 2.314 tỷ đồng vốn ngoài ngành kinh doanh chính, thu về 4.490 tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, TCT đã thoái được 357 tỷ đồng, thu về 400 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư). Đồng thời, thoái 945 tỷ đồng, thu về 1.207 tỷ đồng tại các DN có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên.

Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), 6 tháng đã bán 1.011 tỷ đồng, thu về 2.882 tỷ đồng.

Bích Diệp