1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuyển Ủy ban Chứng khoán về Chính phủ hay giữ nguyên ở Bộ Tài chính?

(Dân trí) - Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Chứng khoán là để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuộc Bộ Tài chính như hiện tại hay là cơ quan trực thuộc Chính phủ?

Chuyển Ủy ban Chứng khoán về Chính phủ hay giữ nguyên ở Bộ Tài chính? - 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, cần hết sức cân nhắc việc đưa UBCKNN thuộc Chính phủ vì sẽ gây xáo trộn, mất thời gian sắp xếp lại tổ chức nhân sự và có thể gây tác động đến thị trường chứng khoán trong khi thị trường đang phát triển bình thường và đạt kết quả tích cực. Hơn nữa, các lý do chuyển đổi UBCKNN thuộc Chính phủ còn nặng tính định tính, chưa được chứng minh bằng các lập luận khoa học và bằng chứng thuyết phục.

"Nhất là khi, đề xuất thay đổi không có đánh giá tác động và không nêu bật được sự cần thiết; các lý do là giảm bớt khâu trung gian, tăng tính độc lập hay đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính còn nặng về định tính, chưa được chứng minh bằng các lập luận khoa học và bằng chứng thuyết phục là tại sao chuyển đổi lại tăng tính độc lập hay chuyển đổi tác động đến đổi mới và cấu trúc lại thị trường như thế nào?" ĐBQH Hoàng Quang Hàm nói.

Đồng quan điểm, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị, UBCKNN vẫn nên trực thuộc Bộ Tài chính như quy định hiện hành, nhằm bảo đảm tuân thủ Nghị quyết số 39 của Đảng, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt, thực sự cần thiết do nhu cầu thực tiễn.

"Nghị quyết 18 của Đảng cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp bộ máy không được tăng thêm đầu mối, tăng biên chế, trường hợp đặc biệt cần thêm đầu mối phải có ý kiến của Bộ Chính trị…Nếu nay chúng ta tách UBCKNN thành cơ quan độc lập thì điều này đồng nghĩa với việc làm tăng thêm đầu mối, tăng thêm biên chế và đương nhiên sẽ tăng chi ngân sách cho bộ máy", bà Mai nói.

Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, việc tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính cũng chưa đủ cơ sở thực tiễn. Tờ trình của Chính phủ không đưa ra được những bất cập trong bộ máy hiện hành, cũng không chỉ rõ quy định nào cản trở quá trình vận hành bộ máy. Trong khi đó, Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, những năm qua hoạt động đã có mức tăng trưởng đáng kể.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý, để nâng cao hiệu quả hoạt động của một bộ máy không phụ thuộc vào việc cơ quan đó nằm ở đâu mà vấn đề là trao cho nó những quyền năng gì. Đặt giả thuyết nếu UBCKNN tách khỏi Bộ Tài chính chuyển sang đầu mối của Chính phủ mà không trao cho nó những quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì không đem lại hiệu quả thiết thực.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thống kê có 5 đại biểu đề nghị UBCKNN là cơ quan thuộc Chính phủ, 9 đại biểu đồng ý với việc để nguyên Ủy ban này thuộc Bộ Tài chính.

Theo Bộ trưởng, từ năm 2004, khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuyển về Bộ Tài chính ngành chứng khoán đã phát huy được kết quả vượt trội. Tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán theo đánh giá của Bộ trưởng, đã từng bước hoàn chỉnh về cấu trúc đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế và thông lệ quốc tế. Cho đến nay đã bao gồm đầy đủ thị trường cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ phái sinh và trái phiếu doanh nghiệp. 

Bộ trưởng cũng cho rằng, Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập trong hoạt động quản lý giám sát thị trường chứng khoán như khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán quốc tế, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng khẳng định, theo Luật Chứng khoán hiện hành, Ủy ban Chứng khoán độc lập trong quá trình quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Cụ thể là Ủy ban có quyền quản lý công ty đại chúng và cấp phép phát hành chứng khoán ra công chúng, toàn quyền cấp phép hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Ủy ban cũng toàn quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, hoàn toàn chủ động trong việc đề xuất các chính sách về chứng khoán để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành, độc lập trong việc ban hành các quy chế quy định quy trình về nghiệp vụ chứng khoán và quản lý, giám sát trực tiếp hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán.

"Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính tôn trọng tính độc lập hoạt động của Ủy ban Chứng khoán, không can thiệp vào hoạt động của Ủy ban Chứng khoán", Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Phương Dung