1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chứng khoán: Nhìn và... nghỉ ngơi!

Thị trường chứng khoán đã và đang tiếp tục điều chỉnh sâu. Cho dù đến phiên giao dịch thứ Tư, ngày 18/4, VN-Index đã đạt trở lại cột mốc tâm lý 1.000 điểm, những chuyển động hiện tại của thị trường cho thấy hai yếu tố sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong vài tuần tới là: sự thay đổi phương thức khớp lệnh và tâm lý “nghỉ ngơi”.

Chưa biết, tốt hơn hết là… nhìn!

Không phải ngẫu nhiên các nhà đầu tư lại đổ xô đến Nhà hát lớn Hà Nội và dinh Thống Nhất Tp.HCM để được nghe thuyết trình về khớp lệnh liên tục từ đầu tháng 5/2007.

Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSTC) nói rằng với khớp lệnh liên tục, lệnh nhà đầu tư đưa vào sẽ được khớp ngay. Ở đây, nó thiếu hẳn một vế. Lệnh chỉ được khớp ngay nếu người bán hoặc mua cùng đưa vào một lệnh ở mức giá tương ứng. Giả sử giá đặt bán cao, giá đặt mua thấp thì lệnh sẽ cứ nằm đó cho đến hết giờ và không khớp được.

Những trường hợp thế này vẫn thường xuyên xảy ra trên sàn Hà Nội, nơi ngay từ đầu đã thực hiện khớp lệnh liên tục. Hơn nữa, khi lệnh được khớp, HoSTC sẽ báo ngay kết quả về cho các công ty chứng khoán. Vấn đề là liệu các công ty chứng khoán có kịp báo ngay cho khách hàng. Ngoài ra trong khoảng một giờ khớp lệnh liên tục (từ 9-10 giờ sáng/ngày), giá sẽ “nhảy” liên tục. Nếu lệnh đặt mua bán của nhà đầu tư không khớp với giá đang giao dịch, có thể quá cao hoặc quá thấp, liệu nhà đầu tư có được hủy lệnh cũ, đặt lệnh mới không?

Giả sử giá cổ phiếu A đang khớp ở mức 100.000 đồng, nhưng nhà đầu tư X chỉ đặt mua ở giá 95.000 đồng, ông có thể hủy lệnh đầu, đặt lệnh mới giá 100.000 đồng để mua được không? Ngay cả khi ông có thể làm như vậy, việc nhận lệnh, chuyển lệnh vào sàn của nhân viên môi giới cũng phải thật nhanh chóng, chính xác. Với hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư như vậy, công ty chứng khoán sẽ vô cùng vất vả. Họ có xoay xở kịp?

Cho đến nay sàn Hà Nội đành phải áp dụng biện pháp dù khớp lệnh liên tục, nhưng cuối ngày (tức 11 giờ) mới thông báo kết quả giao dịch về các công ty chứng khoán và khi đó khách hàng mới biết lệnh của mình có khớp không. Chỉ có những khách hàng VIP, thường là các tổ chức, khi giao dịch ở sàn Hà Nội, mới có thể nhờ nhân viên môi giới gọi điện vào nhân viên nhận lệnh của họ trong sàn để biết kết quả khớp lệnh sớm hơn.

Có khả năng khi khâu thông báo kết quả khớp lệnh liên tục từ sàn ra công ty chứng khoán, đến khách hàng không xuôi chảy, lệnh đặt mua bán sẽ dồn vào phiên một và phiên ba (vẫn khớp lệnh định kỳ). Tình trạng quá tải có thể lặp lại cho dù lượng khách hàng ở các công ty chứng khoán hiện giảm hơn so với cách đây 2-3 tháng.

 Chính vì chưa giải đáp được thắc mắc này, một số không nhỏ nhà đầu tư đang ở trong tình trạng chờ xem khớp lệnh thay đổi thế nào rồi tính. Tâm lý chờ đợi đã khiến họ buông lơi chứng khoán. Những người có ít cổ phiếu thì bán đi giữ tiền mặt cho an tâm, người chưa có chứng khoán thì chờ. Đó là chưa kể giá vàng đang lên, đồng Việt Nam cũng đang lên giá. Cơ hội giữ tiền đồng hay chuyển sang vàng xem ra hấp dẫn hơn.

“Nóng” khả năng hấp thụ hàng

Chưa có một ghi nhận đáng chú ý nào cho thấy các quỹ đầu tư trung, dài hạn đang quay trở lại thị trường dù giá một số cổ phiếu đã rớt 30-40% so với mức giá cao nhất của chính nó. Giá một số cổ phiếu thậm chí đã trở về thời kỳ VN-Index dao động trong khoảng 700-800 điểm. Tuy nhiên phần lớn cổ phiếu blue-chips giá vẫn còn cao so với mức giá cuối năm 2006.

Dragon Capital, tập đoàn tài chính nước ngoài đang nắm giữ số lượng chứng khoán niêm yết lớn nhất, sau khi bán ra cổ phiếu TDH và một khối lượng nhỏ GMD, đã không bán thêm cổ phiếu nào. Nhưng họ vẫn chưa có ý định mua thêm để giải ngân vốn. Chỉ số P/E bình quân của cổ phiếu blue-chips Việt Nam vẫn còn cao, cao hơn 2-2,5 lần các nước khu vực.

Tuần trước một số quỹ đầu tư nước ngoài đã tăng lượng cổ phiếu mua vào, nhưng đấy phần lớn là những gương mặt đầu cơ và lượng cổ phiếu họ mua, do đó, có thể được giải ngân ngay bất cứ lúc nào. Điều này không tạo một chiều hướng ổn định cho thị trường.

Trong khi đó những cổ phiếu trên sàn vốn được nước ngoài ưa chuộng như BMP, GMD, SAM, FPT, PPC, VSH, CII... sau một thời gian “cầm cự”, đã bắt đầu rớt giá khá mạnh. Giá cổ phiếu PPC ngày 17/4 đã thấp hơn giá đấu giá bình quân của đợt vừa qua. Nếu giá PPC tiếp tục xuống dốc, khả năng các nhà đầu tư đã trúng thầu sẽ bỏ tiền cọc, là rất lớn.

Gần đây nhất, 90% số cổ phiếu trúng thầu của Công ty Dây và Cáp điện Cadivi đã bị nhà đầu tư bỏ cọc và Cadivi buộc phải tổ chức đấu giá lần hai. Hiện giá chứng chỉ quỹ VF1 cũng đã thấp hơn giá phát hành cho đợt huy động tăng vốn mới. Khả năng VF1 phải điều chỉnh giá phát hành như đã từng xảy ra hồi tháng 7 - 8/2006 là không thể không tính đến.

Giống như mọi năm, tháng 5-6 là thời điểm thị trường “nghỉ ngơi” sau một thời gian chạy tốc lực đạt những đỉnh mốc. Chưa thể biết liệu thị trường năm nay có nghỉ “dưỡng sức” dài hạn 3-4 tháng như năm ngoái, nhưng đã ló rạng quy mô của thị trường trong bốn tháng tới sẽ gia tăng ít nhất gấp hai lần với hàng loạt đại gia IPO và lên sàn.

Vấn đề nóng bây giờ không còn là giá cổ phiếu, mà là khả năng hấp thụ hàng hóa mới của nhà đầu tư đến đâu!

Theo Hải Lý
TBKTSG