1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chứng khoán đã vào “vùng” hấp dẫn?

(Dân trí) - Thị trường đột ngột khởi sắc vào cuối phiên khi các cổ phiếu blue-chips "chạy đua" cùng các cổ phiếu nhỏ. Giao dịch trên cả 2 sàn tăng đột biến.

Chứng khoán đã vào “vùng” hấp dẫn? - 1
Dự báo ngày mai sẽ có 1 phiên giao dịch sôi động (ảnh: Việt Hưng).
 
Kết thúc phiên giao dịch sáng nay 10/3, Vn-Index tiếp tục có phiên tăng điểm nữa và chính thức vượt lên trên ngưỡng 250 điểm.

Ngay khi kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, Vn-Index đã tăng nhẹ 1,86 điểm với khối lượng giao dịch được cải thiện đáng kể so với phiên giao dịch trước.

Chững lại đôi chút trong nửa đầu đợt khớp lệnh liên tục tuy nhiên xu hướng mua vào vẫn chiếm ưu thế trong phiên giao dịch sáng nay, Vn-Index theo đó cũng hồi phục nhanh chóng với số điểm tiếp tục được nâng cao.

Chốt phiên, Vn-Index đã tăng 4,03 điểm (tương đương tăng 1,63%) lên 251,88 điểm.

Điểm nhấn của phiên giao dịch hôm nay là khối lượng giao dịch được đẩy lên cao. Toàn thị trường đã có 12,786 triệu đơn vị giao dịch trị giá 219,553 tỷ đồng. So với phiên trước đó đã tăng 38% về khối lượng và tăng 35% về giá trị.

Bảng giao dịch điện tử phủ một màu xanh khi có đến gần 80% số chứng khoán niêm yết phiên này tăng giá với nhiều mã tăng giá trần, trong khi đó không mã nào xuống mức giá sàn. Cụ thể, đã có 141 mã tăng giá trong đó 58 mã tăng trần, chỉ có 18 mã giảm giá và 19 mã đứng mức tham chiếu.

Trong nhóm những cổ phiếu dẫn dắt thị trường ngoại trừ VPL xuống giá và HAG giữ giá tham chiếu, các mã còn lại chốt phiên đã đồng loạt tăng giá trong đó VIC của Vincom tăng trần 1.800 đồng lên 38.300 đồng/cổ phiếu.

Những cổ phiếu tăng trần phiên này tiếp tục là một số mã trước đó có chuỗi ngày giảm giá khá sâu và phiên này đều có lượng dư mua giá trần khá nhiều ITA, TCM, VHG, TAC, KDC…

Trong nhóm các mã cổ phiếu bị kiểm soát, TRI tiếp tục hoàn thành phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp và kết thúc phiên mã cổ phiếu này tiếp tục không còn dư bán.

Phiên này không có mã nào giảm giá sàn, giảm giá mạnh nhất phiên này là DHG của Dược Hậu Giang với mức giảm 2.000 đồng xuống 98.000 đồng/CP.

Về giao dịch, mã STB dẫn đầu và bỏ khá xa các mã cổ phiếu tiếp theo với 1,77 triệu cp được chuyển nhượng thành công, sau đó là các mã SSI, PVT, HPG, VTO… đều có giao dịch dưới 1 triệu đơn vị.

Bên sàn Hà Nội, sau khi giảm nhẹ vào giữa phiên, Hastc-Index đột ngột “lấy lại phong độ” và tăng 1,97 điểm, lên 87,5 điểm vào cuối phiên.

Khối lượng giao dịch tăng đột biến, đạt 8,4 triệu cổ phiếu, gấp đôi phiên trước, đạt giá trị 141 tỷ đồng. Đây là mức khớp lệnh cao nhất kể từ ngày 15/12/2008 khi Hastc-Index tăng lên 110,5 điểm sau đó giảm “một mạch” xuống 75 điểm.

Thị trường thực sự khởi sắc vào cuối phiên khi có 127 mã tăng giá, 24 mã giảm giá và 13 mã đứng giá. Trong đó 2 cổ phiếu giao dịch mạnh nhất sàn là ACB (1,5 triệu cổ phiếu) và KLS (1,44 triệu) đều tăng mạnh. ACB tăng 800 đồng lên 26.600 đồng còn KLS cuối phiên tăng trần lên 9.900 đồng/CP.

Hàng loạt các cổ phiếu nhỏ vẫn giữ nguyên mức tăng trần và có dư mua lớn vào cuối phiên là BLF, CIC, CMC, DCS, KMF, VGS… các cổ phiếu này đều là các cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng/CP.

Trong khi đó, các cổ phiếu của các công ty chứng khoán tăng trần vào cuối phiên như HPC (9.900 đồng, dư mua trên 60.000 cổ phiếu), KLS (9.900 đồng, dư mua 17.500 cổ phiếu), KKC (11.400 đồng, dư mua trên 62.000 cổ phiếu)… Các mã khác như PVI, PVS, VSP, BVS… đều đồng loạt tăng điểm vào cuối phiên.

Tuy nhiên, khối nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán mạnh trên sàn Hà Nội, cụ thể họ bán ra gần 300.000 cổ phiếu BCC, 252.000 cổ phiếu BTS, gần 100.000 cổ phiếu BVS, mua vào KLS, SD7, VNR…

Thanh Tú - Phương Mai