1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chung cư tự quản: Dân có tiền tỉ sửa nhà

(Dân trí) - Hơn một năm sau khi tự quản, ban quản trị và cư dân tại chung cư A5 Đại Kim đã để dành được hơn 1 tỉ để phục vụ cho việc sửa sang, nâng cấp chung cư mà chỉ thu duy nhất 1 loại phí là phí dịch vụ hàng tháng.

Chung cư A5 khu đô thị mới Đại Kim đã được đưa vào vận hành từ năm 2003 do chủ đầu tư là Công ty Xây dựng Hà Nội vận hành. Do đặc thù là các căn hộ ở đây không có phí bảo trì 2% nên mọi sự cố hỏng hóc trong tòa nhà thì cư dân đều phải đóng tiền.

Chung cư tự quản: Dân có tiền tỉ sửa nhà - 1

Thế nhưng theo bác Trần Công Vạn, Trưởng ban quản trị của chung cư A5 Đại Kim, tuy người dân đã đóng đủ các loại phí và phụ phí mà chủ đầu tư vẫn liên tục kêu lỗ, muốn thu tăng tiền phí sinh hoạt và nhiều phụ phí khác.

Năm 2013 là khóa đầu tiên bác Vạn làm trưởng ban quản trị thì chung cư vẫn chịu sự quản lý của chủ đầu tư. Lúc đó bác Vạn cùng cư dân đã đấu tranh để khoán cho chủ đầu tư, nếu sửa chữa các hỏng hóc, xuống cấp dưới 20 triệu thì chủ đầu tư phải bỏ tiền ra, còn nếu trên 20 triệu thì cư dân sẽ đóng.

Bác Vạn cho biết, thời điểm đó, người dân ở đây phải đóng rất nhiều các khoản phí khác nhau. Trong đó chủ đầu tư đã đề nghị thu tăng phí dịch vụ từ 1.800 đồng/m2 lên 2.800 đồng/m2, thu tăng tiền phí gửi xe để bù lỗ.

Bức xúc được đẩy lên cao khi đã khoán cho chủ đầu tư rồi, nhưng khi thang máy hỏng lặt vặt thì chẳng có ai đến sửa và dồn đến khi hỏng nặng, phải sửa hết 128 triệu đồng thì người dân lại phải đóng tiền, nếu cư dân không đóng tiền thì chủ đầu tư sẽ không sửa. Vì thế, 148 căn hộ tại chung cư đều phải đóng mỗi nhà 1 triệu để sửa thang máy.

Thấy được nhiều sai phạm trong thu chi nên ngay từ khóa đầu tiên làm trưởng ban quản trị, bác Vạn đã muốn cư dân tự quản lý và không liên quan đến chủ đầu tư. Thế nhưng, trở ngại cho ý định đó của bác Vạn lại đến từ chính người dân. Lý do là bởi chủ đầu tư đã quản lý hơn chục năm rồi nên người dân cũng ngại thay đổi và nếu tự quản xảy ra vấn đề thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm.

Đứng trước tình hình đó, bác Vạn đã đưa ra biện pháp là nâng mức khoán lên cao hơn là 35 triệu đồng để tăng trách nhiệm của chủ đầu tư với chung cư. Nhưng phía chủ đầu tư không chấp nhận và chỉ đồng ý mức khoán 15 triệu đồng cho việc sửa chữa chung cư.

Sau nhiều cuộc họp không đưa ra được ý kiến thống nhất về mức khoán và đồng thời chủ đầu tư lại làm mất lòng tin của người dân, khi tuyên bố 7 ki-ốt ở mặt trước chung cư đều là của chủ đầu tư. Đến thời điểm đó, người dân đã vô cùng bức xúc và mới thật sự ủng hộ ý kiến cư dân tự quản của bác Vạn.

Được sự tin tưởng từ mọi người, bác Vạn đã hứa với dân và chịu trách nhiệm toàn bộ trước cư dân nếu như để xảy ra sai phạm gì khi tự quản. Sau nhiều đấu tranh thì từ tháng 6/2015, ban quản trị phụ trách việc vận hành của chung cư hoàn toàn do cư dân bầu ra, hoạt động công khai, minh bạch và không liên quan đến chủ đầu tư cũ.

Những điều người dân tự làm được sau hơn một năm tự quản

Sau khi chứng minh 7 ki-ốt đã bị chủ đầu tư bán chui là của người dân thì tiền cho thuê và tiền quảng cáo của 7 ki-ốt đều được để vào quỹ vận hành tòa nhà, trung bình 1 quý 7 ki-ốt sẽ đem lại 100 triệu đồng. Phí duy nhất mà ban quản trị mới thu của người dân là phí dịch vụ với giá như cũ là 1.800 đồng/m2.


7 ki-ốt đã hiện đang đem lại nguồn thu rất lớn cho cư dân

7 ki-ốt đã hiện đang đem lại nguồn thu rất lớn cho cư dân

Tiền thu này để phục vụ cho việc trả lương cho 4 bảo vệ, 1 kế toán, công nhân vệ sinh môi trường và bồi dưỡng cho mỗi thành viên ban quản trị 2 triệu đồng/tháng. Hàng tháng việc thu chi đều được dán chi tiết ở bảng tin của tòa nhà và có sự giám sát của người dân. Tiền thu về được gửi ngân hàng và phải có đủ 3 chữ kí của kế toán, trưởng ban quản trị và 1 thành viên ban quản trị mới có thể rút ra.

Mặt tiền thang máy được ốp đá bằng tiền tiết kiệm
Mặt tiền thang máy được ốp đá bằng tiền tiết kiệm

Số tiền dư ra ban quản trị sử dụng để sửa lại nhà xe, ốp đá mặt tiền của 2 thang máy, lát gạch sân thượng khoảng 520 triệu đồng, sửa thang máy và máy bơm nước hơn 330 triệu đồng và tiền để sơn lại bên ngoài tòa nhà là gần 600 triệu đồng.

Tuy bỏ ra số tiền lớn để sửa sang nhưng người dân không hề phải đóng thêm bất kì một khoản nào mà vẫn còn dư quỹ để ưu tiên cho việc bảo trì thang máy, máy bơm nước và máy phát điện dự phòng định kì.

Nhà xe được cơi nới rộng rãi và lát gạch
Nhà xe được cơi nới rộng rãi và lát gạch
Đội công nhân chuẩn bị sơn lại mặt ngoài tòa nhà
Đội công nhân chuẩn bị sơn lại mặt ngoài tòa nhà

Trong năm tới, dự định của ban quản trị sẽ sơn lại mặt trong tòa nhà, bên cạnh đó xin ý kiến của các cấp ngành để sửa lại khu phía trước thành sân chơi cho trẻ em và phía sau thành bãi gửi ô tô.


Sân sau sẽ được xin quy hoạch lại thành bãi để xe ô tô

Sân sau sẽ được xin quy hoạch lại thành bãi để xe ô tô

Tất cả công việc đều không thu thêm tiền của người dân mà đều sử dụng phần tiền tiết kiệm được. Riêng bãi gửi xe ô tô sẽ sử dụng hình thức huy động vốn và do chính các hộ có nhu cầu gửi xe tự nguyện đóng trước 1 đến 2 năm phí gửi xe.

Qua thời gian hơn một năm, chứng kiến những thay đổi rõ nét của chung cư, người dân đã hoàn toàn tin tưởng vào việc dân tự quản tại chung cư. Rất nhiều người đã đến học tập mô hình của chung cư A5 vì đây là một mô hình có lợi cho người dân tuy nhiên nó cần có sự minh bạch, rõ rằng và cần có cách quản lý khoa học.

Thế Hưng