1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chú ý địa chỉ khi mua vé máy bay

Gần đây có bạn đọc gửi phản ánh về tình trạng nhiều phòng vé gắn biển, logo của Vietnam Airlines (VNA) nhưng bán vé với giá cao hơn và chất lượng dịch vụ hạn chế.

Tiền mất tật mang
 
Càng ngày, máy bay càng trở thành phương tiện giao thông phổ biến. Tuy nhiên, lợi dụng sự nhẹ dạ của khách hàng, nhiều văn phòng đã mạo danh đại lý của VNA để trục lợi. Càng gần những dịp lễ tết, nhu cầu vận tải tăng cao, tình trạng này càng phổ biến.
 
Như trường hợp của chị T.T.B.Nguyệt: mua vé hành trình HN - TPHCM tại phòng vé ở phố Dương Quảng Hàm (Hà Nội) với mức giá 2.044.000 VNĐ (gồm cả thuế và lệ phí), khi chị Nguyệt gọi điện đến tổng đài 38320320 để đổi ngày thì được biết sẽ phải mất phí vì vé chị mua là loại vé có điều kiện, giá vé đúng đã gồm cả thuế và lệ phí là: 1.859.000 VNĐ.
 
Sau khi điều tra và xác minh, VNA cho biết giá vé đúng là 1.859.000 VNĐ do một đại lý chính thức của VNA xuất vé. Phòng vé ở Dương Quảng Hàm không phải phòng vé hay đại lý chính thức của VNA, đây chỉ là một văn phòng cung cấp dịch vụ độc lập. Văn phòng trung gian này đã mua vé cho chị Nguyệt qua một cấp trung gian khác và đẩy giá lên nên khi vé đến tay chị Nguyệt thì thành 2.044.000 VNĐ.
 
Thiệt hại nặng nề hơn là chị Đ.T. Thủy, chị mua 4 vé hành trình: HN - TPHCM - HN tại một văn phòng Travel với tổng số tiền 15.900.000 VNĐ, nhưng sau khi kiểm tra lại thì giá vé thực tế là: 12.232.000 VNĐ. Như vậy, Travel này đã thu chênh lệch 3.668.000 VNĐ.
 
Từ những thông tin phản phản hồi, VNA điều tra và khẳng định: “Tất cả các trường hợp bị thu chênh lệch giá vé đều do khách hàng mua vé ở các văn phòng dịch vụ trung gian giả danh đại lý chính thức của VNA và chỉ đến khi khách hàng đổi ngày bay hoặc gặp trục trặc mới phát hiện ra mình đã mua vé cao hơn giá thực tế ”.
 
Để không… tiền mất tật mang
 
Đại diện VNA khẳng định: Hiện nay có các văn phòng bán vé trưng biển, logo của các hãng hàng không nhưng thực tế đó chỉ là các trung gian, các trung gian này chỉ đặt được chỗ hoặc thậm chí chỉ ghi lại yêu cầu của khách hàng có nhu cầu rồi đặt lại đại lý chính thức và xuất vé.
 
Bởi vậy khách hàng có thể gặp phải những tình huống như: không có chỗ trên chuyến bay hay phải trả tiền vé cao hơn, nếu khách mua vé nội địa thì số tiền chênh lệch đến vài trăm nghìn đồng/vé, nhưng nếu mua vé quốc tế thì giá vé có thể chênh lên đến vài triệu đồng nhất là trong mùa cao điểm (vì phải mua lòng vòng).
 
Theo VNA, tránh rơi vào những tình huống này, khách hàng nên có những lựa chọn đúng đắn ngay từ đầu. Cụ thể, khách nên mua vé tại các phòng vé và đại lý chính thức của VNA hoặc mua vé trực tuyến trên trang web của Vietnam Airlines.
 
Hiện nay, mạng bán chính thức của VNA bao gồm: 28 phòng vé và 304 đại lý phổ khắp cả nước. Khi mua vé, khách nên lấy hóa đơn, trong đó cần có thông tin về nơi xuất vé, hành trình đi, giá vé, thuế và lệ phí, đóng dấu xác nhận của nơi xuất vé để khi có phát sinh sẽ có đầy đủ thông tin khiếu nại với VNA. Xin được nhấn mạnh rằng càng gần tới dịp lễ tết khách hàng càng nên cẩn trọng.
 
Mặt khác, khách có thể kiểm tra đặc điểm nhận biết các đại lý chính thức của VNA bằng các dấu hiệu như: đại lý chính thức có mặt tiền rộng, biển hiệu sắc nét, logo VNA to rõ ràng ở chính giữa biển, bên cạnh là logo của Liên minh Hàng không toàn cầu Skyteam (ảnh dưới), nguyên tắc nữa là các đại lý của VNA khi xuất vé đều có hóa đơn theo mẫu có đầy đủ thông tin về đại lý xuất vé.

Chú ý địa chỉ khi mua vé máy bay - 1

Để tra cứu danh sách đại lý chính thức của VNA: khách hàng có thể truy cập vào địa chỉ: www.vietnamairlines.com, gọi số điện thoại 04-38 320 320, 0511-3811 111, 08-38 320 320.