1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chủ tịch VCCI: Căng thẳng thương mại thế giới, tin mừng là Việt Nam vẫn ổn định

(Dân trí) - Chủ tịch VCCI cho rằng, trong bối cảnh gần như mỗi tuần đều có tin tức về những tuyên bố, đe dọa bảo hộ, trừng phạt và sau đó là trả đũa từ các nền kinh tế lớn thì tin mừng là thương mại và đầu tư Việt Nam cho đến nay vẫn tương đối ổn định.


Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF.

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF nhận định, thương mại thế giới nửa đầu năm 2018 tiếp tục các diễn biến phức tạp vốn đã xuất hiện từ 2017, nhưng càng lúc càng căng thẳng hơn.

Đáng chú ý nhất là các biện pháp thuế đối với nhôm, thép và những căng thẳng trong thương mại và đầu tư Mỹ - Trung. Gần như mỗi tuần đều có tin tức về những tuyên bố, đe dọa bảo hộ, trừng phạt và sau đó là trả đũa từ các nền kinh tế lớn. Không ít trong số đó đang dần trở thành hiện thực.

Việt Nam vẫn "tương đối ổn định"

Trong bối cảnh này, theo ông Lộc, tin mừng là thương mại và đầu tư Việt Nam cho đến nay vẫn tương đối ổn định. Cụ thể, hoạt động xuất khẩu không bị biến động lớn, thậm chí tăng nhẹ so với 2017. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vẫn là động lực chính, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng diễn ra ổn định, bình thường.

Điều này có được là nhờ một phần từ yếu tố khách quan do Việt Nam chưa phải đối mặt trực diện với các biện pháp bảo hộ ở các thị trường với các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn. Trong khi đó, ở trong nước một loạt các động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành)…đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực.

Với thế giới, Việt Nam đã có thêm những những bước đi quan trọng hướng tới tự do hóa thương mại, mở cửa nền kinh tế thông qua việc Chính phủ ký CPTPP, hoàn tất rà soát pháp lý EVFTA, triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề quan ngại. Cụ thể, trên bình diện chung, những căng thẳng thương mại có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt khi các tuyên bố bảo hộ hay trả đũa của các nền kinh tế lớn được hiện thực hóa sẽ gây ra những chuyển động bất thường, khó nắm bắt cho kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

"Đó có thể là những thị trường đột nhiên bị bỏ trống, tạo cơ hội cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam. Nhưng đó cũng có thể là luồng thương mại dịch chuyển sang các thị trường thay thế, khiến cạnh tranh phức tạp hơn, ở các thị trường khác và trên thị trường Việt Nam", ông nói.

Cũng như vậy, theo ông Lộc, sự chuyển dịch của dòng đầu tư có thể ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Nguồn cung, cầu trên thế giới có thể diễn biến phức tạp. Thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán cũng có thể có nguy cơ bất ổn.

Thúc đẩy FTAs

Từ góc độ xuất khẩu, mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần qua các tháng. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Hoa Kỳ gia tăng biện pháp thuế chống bán phá giá với cá tra, basa, thực thi các biện pháp kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thủy sản nhập khẩu. EU áp dụng thẻ vàng, kiểm tra với tần suất 100% các lô hàng, đối với hải sản Việt Nam.

Ở trong nước, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế không phải tất cả các Bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

Trong bối cảnh này, đồng Chủ tịch VBF cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong và nước ngoài đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp, trong đó hàng đầu là, tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, tăng cường các nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các FTAs. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP (tốt nhất là vào kỳ họp Quốc Hội cuối năm nay), tiếp tục thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU càng sớm càng tốt cũng như thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTAs khác.

"Các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội tốt cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Trước hết, phải rà soát và loại bỏ ngay các bất cập trong thực tiễn đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi mở ra từ các FTAs, đặc biệt là phải cải cách nhanh hơn các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu như đã đề cập ở phần trên. Đó là yêu cầu rất cấp bách!", ông nói.

Phương Dung

Chủ tịch VCCI: Căng thẳng thương mại thế giới, tin mừng là Việt Nam vẫn ổn định - 2