1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chủ tịch AVIM Trần Bắc Hà: “ Myanmar như một nàng tiên đẹp”

(Dân trí) - AVIM đang xúc tiến các hoạt động, tìm chọn doanh nghiệp Việt tiêu biểu, có năng lực để làm đầu mối dẫn dắt, định hướng hoạt động tại Myanmar, nhằm mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 triệu và mức đầu tư đạt 1 tỷ USD vào năm 2015.

Sáng nay 15/7, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) đã tổ chức hội thảo chuyên đề về Xúc tiến đầu tư vào Myanmar.

Theo số liệu do ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cung cấp, Việt Nam đã cấp phép cho 7 dự án đầu tư sang Myanmar với tổng vốn đăng ký khoảng 460 triệu USD, đứng thứ 6 trong tổng số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong đó có dự án dầu khí tại vùng biểu Tây Nam của Myanmar với tổng vốn đăng ký 135,9 triệu USD; dự án khai thác đá màu tại Rakhine của Công ty Simcon Dông Đà, với tổng vốn đầu tư 18,1 triệu USD; dự án tổ hợp khách sạn và căn hộ trên diện tích 8 ha ngay tại Yangon…

Ngoài các dự án này, hiện còn một số dự án đầu tư quan trọng đang trong giai đoạn nghiên cứu, đàm phán với Chính phủ và các Bộ, ngành của Myanmar để triển khai đầu tư như: dự án mở đường bay quốc tế và nội địa của Vietnam Airlines, dự án mở ngân hàng tại Myanmar của BIDV… Nếu các dự án này được triển khai, theo đánh giá của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì hoạt động hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Myanmar sẽ tăng cường trong thời gian tới.

Đánh giá về hoạt động xúc tiến đầu vào Myanmar thời gian qua, ông Vũ Văn Chung cho rằng, các hoạt động này đã được tăng cường, đặc biệt là từ năm 2010 cả ở cấp độ Nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp, với các chuyến thăm hữu nghị chính thức lẫn nhau của các đoàn cấp cao hai nước, cũng như các đoàn hợp tác song phương của các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp hai nước.

Trước thực tế này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiềm năng hợp tác với Myanmar là rất lớn, đặc biệt là các tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước. Myanmar chủ trương mở cửa kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trao đổi thương mại với các nước láng giềng, đối tác truyền thống và mở rộng ra các thị trường mới. Đặc biệt, từ 1/4/2012, Chính phủ Myanmar thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát, động thái này được xem như bước tiến quan trọng của Myanmar nhằm loại bỏ rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư nước ngoài. 

Du lịch Myanmar nổi tiếng với các chùa tháp (ảnh minh họa).

Du lịch Myanmar nổi tiếng với các chùa tháp (ảnh minh họa).

Với vai trò là đơn vị đầu mối chủ trì trong các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIM cũng đánh giá Myanmar là một thị trường có nhiều cơ hội, tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Hà ví von: “Myanmar như 1 nàng tiên đẹp mới bước ra diễn đàn nên có rất nhiều quý ông quan tâm. Do đó, có thể nói rằng, Myanmar không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn dành cho cả thế giới, tất cả các cường quốc lớn và nhỏ đều đang quan tâm đến Myanmar nên Việt Nam cần phải làm gì để đầu tư vào đây? Tôi khẳng định tiềm năng, sức hấp dẫn của Myanmar lớn hơn một số nước trong khu vực, với dân số 60 triệu dân, diện tích đất nông nghiệp 16,8 triệu ha chưa khai thác... nên đây là đất nước có độ mở lớn nhất thế giới”.

Cũng theo đại diện AVIM, với mục tiêu trong năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar năm 2013 đạt 300 triệu USD (tăng trên 30% so với năm 2012) và mức đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đạt trên 500 triệu USD); phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 triệu USD và mức đầu tư đạt 1 tỷ USD vào năm 2015, AVIM sẽ xúc tiến việc tìm chọn các doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, có năng lực trong từng lĩnh vực, ngành nghề chọn làm đầu mối để dẫn dắt, định hướng hoạt động cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực đó tại Myanmar cũng như tìm chọn các doanh nghiệp có thể mạnh trong lĩnh vực sản xuất để phục vụ cung cấp cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của đất nước này.

Đầu tư vào Myanmar hứa hẹn nhiều tiềm năng nhưng theo đánh giá của AVIM, đây cũng là mảnh đất đầy rủi ro. Bởi, Myanmar là thị trường bị cấm vận bởi Mỹ và EU trong những năm trước, lại đang trong thời kỳ đầu của cải cách nên không loại trừ những nguy cơ rủi ro trong thanh toán, mất vốn đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc xin cấp phép đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài còn một số bật cập. Các chính sách miễn giảm thuế còn chưa rõ ràng, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp còn ở mức cao so với khu vực (ở mức 30%). Tại Myanmar vẫn còn tình trạng doanh nghiệp Nhà nước độc quyền trên một số lĩnh vực (viễn thông, hàng không, khai mỏ….), sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ bản cho nền kinh tế còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi có nhu cầu đầu tư vào một số lĩnh vực do doanh nghiệp quốc doanh độc quyền kinh doanh…

Và một trở ngại lớn đó là sự khác biệt về văn hóa làm việc. Trên thực tế, thương nhân hai nước khá đồng cảm do những tương đồng trong lịch sử, văn hóa, tôn giáo nhưng vẫn tồn tại những khác biệt cơ bản như: thương nhân Myanmar làm việc bài bản, có kế hoạch, chắc nhưng chậm; trong khi doanh nhân Việt Nam đa phần rất năng động, linh hoạt nhưng lại kém trong việc lập và tuân thủ kế hoạch đã đặt ra và mục tiêu đã thống nhất, hay thay đổi những cam kết thực hiện hợp đồng thương mại. Vì sự khác biệt văn hóa kinh doanh này, đôi khi hai bên còn chưa tìm được tiếng nói chung, thiếu thông cảm cho nhau, dẫn đến những đổ vỡ chủ yếu do không hiểu được nhau…

Nguyễn Hiền