1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chính thức áp thuế tự vệ phôi thép và thép dài trong 4 năm

(Dân trí) - Ngày 18/7, Bộ Công Thương ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Trước đó, ngày 25/12/2015, theo yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất, bao gồm: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài.

Căn cứ Kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra, ngày 7/3, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Theo quy định của pháp luật, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.

Ngày 5/5, thực hiện quy trình luật định, cơ quan điều tra đã tổ chức Phiên tham vấn công khai với sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao các nước và cơ quan quản lý khác. Tại phiên tham vấn, cơ quan điều tra đã ghi nhận toàn bộ các ý kiến ủng hộ cũng như phản đối vụ việc của các bên liên quan và thể hiện những ý kiến này cũng như ý kiến phản hồi của cơ quan điều tra trong bản báo cáo cuối cùng.

Ngày 25/6, cơ quan điều tra đã hoàn tất bản báo cáo cuối cùng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét phê duyệt. Thực hiện quy trình luật định, ngày 11/7, cơ quan điều tra cũng đã gửi bản báo cáo cuối cùng tới các bên liên quan để đóng góp ý kiến và trình bày quan điểm, kiến nghị của mình.

Sau khi xem xét các phân tích, đánh giá trong bản báo cáo cuối cùng của cơ quan điều tra, ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý và quan điểm, kiến nghị của các bên liên quan, ngày 18/7, Bộ Công Thương đã ban hành về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức. Theo quyết định này, mức thuế tự vệ chính thức đối với phôi thép được giữ nguyên ở mức 23,3%, trong khi mức thuế đối với thép dài tăng nhẹ từ 14,2% lên 15,4%.

Theo quy định của Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên, Bộ Công Thương cũng đã quyết định lộ trình áp thuế tự vệ theo hướng giảm dần đối với các mặt hàng phôi thép và thép dài. Cụ thể, đối với phôi thép mức thuế 23,3% sẽ được duy trì tới 21/3/2017, sau đó giảm dần và về 0% từ 22/3/2020. Tương tự, với thép dài mức thuế tự vệ 14,2% được áp dụng đến 21/3/2017 và về 0% từ 22/3/2020.

Theo kết luận của cơ quan điều tra tại báo cáo cuối cùng, nhập khẩu phôi thép và thép dài vào Việt Nam, đặc biệt là phôi thép, đã có sự gia tăng đột biến trong giai đoạn 2012-2015, đặc biệt là năm 2015.

Trên cơ sở tổng hợp các chỉ số đánh giá thiệt hại theo quy định của WTO và Pháp lệnh về Tự vệ của Việt Nam, đã xảy ra thiệt hại nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất phôi thép và thép dài của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2015, đặc biệt là năm 2015. Đồng thời, có tồn tại mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa sự gia tăng của hàng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và biện pháp tự vệ nói riêng luôn mang lại tác động 2 chiều: có lợi cho ngành sản xuất hàng hóa bị áp thuế và cho các ngành sản xuất thượng nguồn của hàng hóa đó; bất lợi cho ngành sản xuất hạ nguồn hoặc cho người tiêu dùng cuối cùng.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định, với tư cách là cơ quan thực thi pháp luật phòng vệ thương mại, đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc này cũng như các quy định của WTO và pháp luật Việt Nam trong toàn bộ quá trình khởi xướng điều tra, điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài.

Phương Dung