1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính sách tiền tệ 2017 và thông điệp của Thống đốc Lê Minh Hưng

(Dân trí) - Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2017 là rất nặng nề, đòi hỏi phải cố gắng, nỗ lực nhiều. Một trong những nhiệm vụ khó khăn là phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.

Theo đánh giá của ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Trong năm qua, ngành ngân hàng đã thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đặt ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng phù hợp, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; mặt bằng lãi suất được giữ ổn định hỗ trợ sản xuất kinh doanh; tỷ giá, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng ổn định.

Năm 2016, ngành ngân hàng cũng đã triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu theo đúng mục tiêu và lộ trình đã đề ra; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

"Năm 2017 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững; bảo đảm an sinh xã hội. Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng là rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành mục tiêu đề ra", Thống đốc nhấn mạnh.


Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Năm thách thức với ngành ngân hàng

Đề cập kỹ tới các thách thức, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay: Năm 2017, Quốc hội và Chính phủ đạt ra chỉ tiêu tăng trưởng là 6,7%, lạm phát 4%, nếu nhìn từ góc độ ngân hàng, phải thẳng thắn mà nói đây là một chỉ tiêu rất thách thức đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

"Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của chúng ta không giống như các nước, đó là chúng ta phục vụ đa mục tiêu: Kiểm soát được lạm phát; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; giữ ổn định tỷ giá... Tất cả những mục tiêu đó đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau đòi hỏi chúng ta trong hoạch định, điều hành và sử dụng công cụ chính sách tiền tệ phải rất linh hoạt", Thống đốc cho biết.

Trong bối cảnh đó, khi báo cáo Quốc hội và Chính phủ, NHNN "kiên định mục tiêu đạt ổn định vĩ mô, đây là bài học thấm thía của hệ thống ngân hàng trong việc giữ ổn định cho nền kinh tế, đảm bảo cho sự tăng trưởng cho nền kinh tế của chúng ta trong trung hạn".

Tuy nhiên, áp lực lên lạm phát là rất lớn. Thứ nhất là mục tiêu tăng trưởng lớn đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn. Thứ hai là trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng tăng trở lại mấy năm qua đã ở mức đáy, mức rất thấp gây áp lực lên giá cả trong nước. Thứ ba là có một số mặt hàng tiếp tục tăng giá trong năm tới thì đó là nhưng áp lực rất lớn lên điều hành chính sách tiền tệ cho nên chúng ra phải kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô.

Với tình hình này, nhiệm vụ khó khăn vẫn là phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất.

Một vấn đề nữa đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 18%. Tuy nhiên, đây chỉ là định hướng, chúng ta sẽ linh hoạt tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện hoạt động ngân hàng trong nước để có những điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp.

Vấn đề thứ ba là về điều hành tỷ giá. Chúng ta rất may là có cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, nhờ cơ chế đó thị trường ngoại tệ vận hành rất hiệu quả, kể cả những lúc căng thẳng nhất. Năm 2017 chúng ta tiếp tục duy trì có chế này nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều.

Quy định rõ ràng về xử lý các ngân hàng yếu kém

Đề cập tới vấn đề xử lý nợ xấu, vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng cho rằng, những vướng mắc trong xử lý nợ xấu về cơ bản đã có hướng giải quyết vì đã được Bộ Chính trị, cơ quan thường trực Chính phủ đồng ý có Luật mới, tạm gọi là Luật hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Thực tế, vấn đề quan trọng nhất của xử lý nợ xấu là quyền tài sản và bảo vệ quyền chủ nợ, xử lý tài sản đảm bảo vướng mắc từ Bộ Luật Dân sự. Kể từ Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bất động sản, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá tài sản... Tất cả đã được rà soát và đưa vào trong khuôn khổ luật này.

Theo đó, Bộ Chính trị, cơ quan thường trực Chính phủ đã cho phép làm luật theo trình tự rút gọn, cố gắng rút ngắn trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2017. Những vấn đề vướng mắc trong luật phải đặt ra để Quốc hội đồng ý sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu.

"Trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tham gia vào quá trình dự thảo, đánh giá tổng kết dự thảo, góp ý dự thảo nội dung về Luật, gửi tới NHNN để làm sao có dự thảo Luật chất lượng để NHNN báo cáo Bộ Chính trị và trình ra Quốc hội", Thống đốc nói.

Ngoài ra, theo ông Hưng, "những vướng mắc liên quan đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chúng tôi cũng đã có văn bản gửi trực tiếp cho đồng chí Chánh án TAND, đồng chí Viện trưởng VKSND đề nghị có nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, có nghị quyết chỉ đạo TCTD thống nhất quan điểm xử lý các vụ việc liên quan đến phát mại tài sản, xử lý tài sản ở các cấp toà, cấp viện.

Đôi khi không vướng về mặt pháp luật nhưng vướng ở khâu thực thi pháp luật, cách hiểu luật. Ở nhiều địa phương, nhiều nơi, nhiều cấp có thể còn khác nhau cản trở rất nhiều tiến trình xử lý nợ xấu".

Trong Luật mới sắp trình, NHNN sẽ phải bổ sung các quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn về tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng yếu kém. Vừa rồi chúng ta chịu áp lực và đôi khi do không đủ thông tin, không đủ hiểu biết đầy đủ để nói về việc mua lại ngân hàng 0 đồng.

"Nếu không mua ngân hàng 0 đồng thì chúng ta xử lý thế nào? Ngân hàng, kể cả tư nhân đổ vỡ thì ai xử lý? Khi xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt, không Chính phủ, không NHNN thì ai? Nên việc mua lại hay không mua lại 0 đồng, trách nhiệm cuối cùng khi xảy ra đổ vỡ vẫn là NHNN.

Nếu mua ngân hàng 0 đồng chúng ta có những công cụ mạnh hơn để có thể thực hiện, hỗ trợ tái cơ cấu. Tuy nhiên khi làm Luật chúng ta chưa lường trước được có những tình huống như vậy.

Nhưng trên thực tế khi đã có tình huống như vậy, chúng ta phải luật hóa để đảm bảo có hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, rõ ràng và tạo điều kiện cho ngành ngân hàng có đủ thẩm quyền khi chúng ta xử lý các ngân hàng yếu kém. Với việc luật quy định như thế này, việc xử lý ngân hàng yếu kém sẽ mạnh tay hơn, sẽ quyết liệt hơn", Thống đốc Lê Minh Hưng trăn trở.

Nguyễn Hiền (lược ghi)