1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính quyền ông Trump "bối rối" không biết làm sao khi giá dầu xuống mức âm

(Dân trí) - Các hãng hàng không, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, nông dân...đang nhận được hàng tỷ USD tiền cứu trợ từ Nhà Trắng khi đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho nền kinh tế Mỹ.

Có lẽ trong thời gian tới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rất đau đầu với bài toán cứu trợ dành cho các công ty khai thác dầu thô của nước này khi khoan phải đúng “giếng cạn”.

Chính quyền ông Trump bối rối không biết làm sao khi giá dầu xuống mức âm - 1
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu tại Mỹ giao dịch ở mức âm. Ảnh: SCMP

Các nhà hoạch định chính sách đang đấu tranh để giải quyết tình trạng dầu thô giao dịch ở mức âm, bước lùi khiến ngành công nghiệp bạc tỷ chìm vào suy thoái sâu sắc, đẩy hàng trăm công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ vào nguy cơ phá sản.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong nhiều thập kỷ qua đã tập trung đảm bảo các cú sốc cung dầu gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ trong những năm 1970 sẽ không tái diễn.

Tuy nhiên, việc sản xuất dầu của Mỹ đạt mức kỷ lục vào cuối năm ngoái và đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế nước này rơi vào bế tắc, các công ty năng lượng Mỹ đã hết sạch kho chứa dầu. Chính quyền Trump có rất ít công cụ để nâng giá dầu lên mức cần thiết để duy trì ngành công nghiệp năng lượng này.

Nhà phân tích dầu mỏ Raymond James Pavel Molchanov cho rằng: “Chính phủ Mỹ có rất ít giải pháp cho bài toán này. Hiện nay, vấn đề thực sự ở đây chính là 1/3 nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm, và chủ yếu do việc đóng cửa nền kinh tế nhằm giảm sự lây lan của đại dịch Covid-19.”

Việc giá dầu xuống dưới 0 USD/thùng chỉ ra thị trường dầu mỏ tại Mỹ đang dư thừa khi các hoạt động kinh tế và công nghiệp bị đình trệ.

Vào tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi vì đã giúp thúc đẩy Nga và Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến giá cả và giảm sản lượng sản xuất dầu mỏ. OPEC đã đạt được thỏa thuận, nhưng việc cắt giảm sản lượng dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng Năm tới đây vẫn khiến cho giá dầu tiếp tục lao dốc và các nhà đầu tư phải đi tìm kho chứa dầu.

Một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã đặt ra các câu hỏi về những nỗ lực mới nào có thể sớm triển khai để hỗ trợ ngành công nghiệp dầu mỏ cho Hội đồng An ninh Quốc gia. Tuy nhiên, người phát ngôn của Bộ Năng lượng Mỹ không đưa ra giải đáp về thắc mắc trên.

Chính quyền ông Trump bối rối không biết làm sao khi giá dầu xuống mức âm - 2
Một trong những nguyên nhân khiến cho giá dầu xuống mức âm là do các hoạt động kinh tế và công nghiệp bị đình trệ trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Business Insider

Mới đây, Quốc hội Mỹ đã quyết định không phân bổ tiền cho gói kích thích trị giá 3.000 tỷ USD và từ bỏ kế hoạch mua 30 triệu thùng dầu ban đầu nhằm mục đích hỗ trợ các nhà khai thác dầu quy mô vừa và nhỏ.

Có nguồn tin cho rằng hiện chính quyền Trump đang xem xét thanh toán các khoản vay của các công ty khai thác dầu mỏ khi gói cứu trợ trước đó dành cho ngành công nghiệp năng lượng này không đủ để duy trì.

Hiện nay, Bộ Năng lượng Mỹ đang tiến hành các thủ tục cho phép các công ty xăng dầu của nước này thuê kho dự trữ quốc gia để cất trữ 77 triệu thùng dầu nhằm đối phó với tình trạng không có chỗ chứa do nhu cầu đối với loại nhiên liệu này đang giảm mạnh.

Không những vậy, các giám đốc điều hành đã gặp Trump tại Nhà Trắng cho biết đã có các thỏa thuận đảm bảo với Saudi Arabia rằng chính phủ liên bang sẽ không trực tiếp viện trợ các công ty dầu khí của Mỹ, và thay vào đó sẽ chỉ cho phép áp dụng các biện pháp các thúc đẩy thị trường tiêu thụ nhằm giảm tình trạng dư cung.

Trong cuộc họp báo ngày 20/4 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ cân nhắc quyết định ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Saudi Arabia, đồng thời cho rằng tình trạng sụt giảm giá dầu xuống mức kỷ lục trong ngày chỉ diễn ra trong ngắn hạn và xuất phát từ một “sự siết chặt tài chính.”

Trước đó, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia đã chấm dứt sau khi các quốc gia sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác gần 10%.

Cụ thể, nhóm OPEC+sẽ cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày. Các đồng minh Mỹ, Brazil và Canada cam kết trên giấy tờ cắt 3,7 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/5.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến nhiều quốc gia buộc phải đưa các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại. Điều này khiến nhu cầu về xăng dầu giảm chưa từng có, bên cạnh đó là các kho chứa dầu trên thế giới nhanh chóng bị lấp đầy.

Hương Vũ

Theo SCMP