1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính phủ yêu cầu “cắt” 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành

(Dân trí) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ban ngành trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về nhiệm vụ cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu.

Theo đó, các bộ như Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)… phải thực hiện quyết liệt biện pháp giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành những hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi thông quan.

Văn phòng Chính phủ cho biết thời gian qua có nhiều cơ quan bộ ngành báo cáo về kết quả thực hiện rà soát thủ tục, giấy tờ kiểm tra chuyên ngành.

Chính phủ yêu cầu các bộ quyết liệt cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, từ tháng 6/2018 phải cắt tối thiểu 50% thủ tục nói trên
Chính phủ yêu cầu các bộ quyết liệt cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, từ tháng 6/2018 phải cắt tối thiểu 50% thủ tục nói trên

Trên cơ sở đánh giá của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành thực hiện quyết liệt phương án cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết; các thủ tục kiểm tra chuyên ngành có sự chồng chéo giữa các bộ với nhau. Đặc biệt, các quy định kiểm tra của các bộ, ban ngành đã được cụ thể hóa trong các Luật, Pháp lệnh hoặc các quy định, tiêu chuẩn của Nhà nước về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh thực phẩm….

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong quá trình rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành phải thực hiện theo hướng cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra Nhà nước trước khi thông quan.

Nhiệm vụ này các bộ phải hoàn thành trước tháng 6/2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Điểm 9, Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9/8/2017 của Chính phủ, tập hợp báo cáo Thủ tướng và Chính phủ các kết quả được giao.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, cơ quan ngang bộ phải đẩy nhanh tiến độ soạn thảo văn bản sửa đổi và bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định về kiểm tra chuyên ngành. Sớm ban hành để triển khai thực hiện, bảo đảm có hiệu quả thực tế, tạo thuận lợi cắt giảm chi phí đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính được đề nghị rà soát và thống nhất với các bộ, ngành công bố đẩy đủ danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành kèm theo các mã số hải quan (HS) phù hợp với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017.

Mới đây, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Chính phủ về những hạn chế trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, nhiều hàng hóa phải thuộc diện quản lý của hai, đến ba bộ, cơ quan ngang bộ giám sát, kiểm tra. Nhiều hàng hóa dù đã được quy định tiêu chuẩn, chất lượng tại các quy định của Việt Nam, song vẫn bị ràng buộc bởi các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của bộ ngành.

Tại báo cáo về hiện trạng danh mục hàng hóa phải kiểm dịch trước khi thông quan, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan nêu rõ nhiều bất cập trong kiểm tra chuyên ngành liên quan đến Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.

Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan năm 2016, cả nước có trên 400.000 tờ khai xuất nhập khẩu phải kiểm dịch thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, nhưng chỉ có 49 tờ khai phát hiện vi phạm, chiếm 0,01% trên tổng số tờ khai phải kiểm tra. Việc kiểm tra quá nhiều nhưng các mặt hàng không phát sinh vi phạm, không phát sinh rủi ro đã khiến nhiều bất cập trong quản lý.

Bộ Tài chính cho biết, việc kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, bắt buộc DN phải lưu kho, lưu bãi và làm các thủ tục quản lý xuất nhập khẩu đã gây mất thời gian, tiền bạc của DN. Trong khi đó, các thủ tục của các Bộ chuyên ngành hiện chồng chéo, gây bức xúc dư luận.

Về mặt hàng cụ thể, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan chỉ rõ, một mặt hàng sữa chua, sữa bột, phô mai, bột mì… vừa phải kiểm dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT vừa phải kiểm tra An toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định của Bộ Công Thương.

Nguyễn Tuyền