1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chính phủ sửa đổi 50 Nghị định, Thông tư, tháo nút thắt cho tự do kinh doanh

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc đất đai, xây dựng, đầu tư và kinh doanh... Trong đó có Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo và khí gas đang được dư luận quan tâm.

Theo đó, số Nghị định được yêu cầu sửa đổi, bổ sung là 28, số Thông tư là 22. Tât cả 11 Bộ, ban ngành thuộc Chính phủ có tên trong danh sách phải xây dựng Dự thảo Nghị định trình Chính phủ theo thời gian biểu cụ thể.

Sẽ sửa đổi Nghị định 109 của Chính phủ vốn tạo rào cản cho kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt Nam
Sẽ sửa đổi Nghị định 109 của Chính phủ vốn tạo rào cản cho kinh doanh, xuất khẩu gạo Việt Nam

Hạn chót để các Bộ trình Chính phủ các Dự thảo Nghị định, dự thảo Thông tư là trong 3 tháng đầu năm 2018 (quý I/2018), trong đó hơn 17 dự thảo dự thảo Nghị định, Chính phủ yêu cầu các Bộ liên quan hoàn thành ngay trong quý 3/2017, 9 dự thảo Nghị định được lùi đến thời hạn cuối là quý I/2018. Còn ở các Thông tư của Bộ ngành, 8 dự thảo Thông tư được lùi đến quý I/2018.

Như vậy, tổng số 33 Dự thảo (gồm 19 dự thảo Nghị định, 14 Thông tư) của các bộ sẽ phải xây dựng để trình Chính phủ ngay trong năm 2017, còn lại 17 Dự thảo trên sẽ được bảo lưu đến quý 1/2018.

Trong số các Bộ phải sửa đổi nhiều Nghị định, Thông tư nhất là Bộ Tài chính có hơn 5 Nghị định, 12 Thông tư phải sửa đổi bổ sung, đứng thứ 2 là Bộ Công Thương phải sửa 4 Nghị định, tiếp đến là các Bộ như: Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có 3 Nghị định phải sửa đổi, bổ sung.

Bộ NN&PTNT có 6 Thông tư phải sửa đổi bổ sung, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) có 3 Thông tư.

Trong các Nghị định và Thông tư lần này, nổi lên các Nghị định đang được dư luận đặc biệt quan tâm tập trung vào các điều kiện về kinh doanh khí gas, kinh doanh gạo xuất khẩu và Nghị định về quy định trong lĩnh vực in ấn.

Đơn cử, trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương, mặc dù thời gian qua Bộ Công Thương đã bỏ điều kiện thương nhân được phép kinh doanh xuất khẩu gạo gây bức bối nhiều năm, làm yếu kém ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.

Thì vấn đề vướng mắc nổi lên là Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo tạo những hàng rào, quy định điều kiện về xưởng xay xát, kho chứa, mới được quyền kinh doanh gạo xuất khẩu. Điều này vô tình cản trở người kinh doanh gạo.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương phải hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo ngay trong tháng 8/2017 để trình Chính phủ.

Ngoài ra, cũng về rào cản kinh doanh, Nghị định 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí, cũng được Chính phủ yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Trước đó, nhiều cơ sở kinh doanh, DN khí và gas nhỏ lẻ tại nhiều địa phương đưa ra nhiều điểm bất cập về Nghị định 19 trên khi quy định DN kinh doanh khí phải có 150.000 vỏ bình gas 12kg (trước đây chỉ có 300.000 bình).

Với thương nhân phân phối phải có tổng dung tích chứa tối thiểu khí hóa lỏng LPG - gas 2.620.000 lít (tương đương 100.000 chai LPG loại 12 kg, quy định trước đây là 300.000 chai LPG)

Chính phủ yêu cầu, Bộ Công Thương phải trình Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí ngay trong tháng 8/2017 để sửa đổi theo hướng thuận lợi hóa cho các DN trong ngành và trên cả nước.

Nguyễn Tuyền