1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chính phủ nên bán bớt cổ phần ở các doanh nghiệp Nhà nước

(Dân trí) - Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị lấy một phần cổ tức ở một số đơn vị không phải SCIC để đầu tư và nhấn mạnh tới việc cổ phần hóa các tổng công ty như nhà máy bia, nước giải khát, may mặc, da giày…, thoái vốn để lấy tiền đầu tư.

Cổ phần hóa các công ty bia, nước giải khát, may mặc

Đóng góp ý kiến về Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016, đa số đại biểu thống nhất với sự cần thiết phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ cho giai đoạn này.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Tuy nhiên, theo đề nghị của đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), 16 tỉnh chưa có báo cáo gửi đến Chính phủ khiến Chính phủ chậm trễ trong việc gửi báo cáo tới Quốc hội thì không bổ sung trái phiếu Chính phủ lần này.

“Thời gian từ nay đến hết kỳ họp còn rất nhiều, khoảng 1 tháng nữa có đủ thời gian để Chính phủ tổng hợp báo cáo với Quốc hội từng dự án cụ thể. Vì theo tôi thấy, sử dụng trái phiếu Chính phủ giai đoạn trước đầu tư rất tràn lan, chưa hiệu quả, chưa bao giờ các tỉnh, các đơn vị xin dự án dễ để bây giờ chúng ta phải chịu hậu quả”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) lại trăn trở về việc nới trần bội chi và phát hành thêm 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ cho ba năm 2014 - 2016. Ông nói: “Tuy rằng rất cao, 4 năm sắp tới chúng ta phải huy động 400 nghìn tỷ. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng không có cách nào khác là phải chấp nhận, dù biết rằng khi chấp nhận những con số này sẽ rất khó trong việc thực hiện lộ trình giảm bội chi ngân sách cho những năm sau”.


Đại biểu Trần Du Lịch.
Đại biểu Trần Du Lịch.

Còn theo tính toán của đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), nếu năm 2014 tăng thêm 40 nghìn tỷ thì tổng trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 sẽ lên đến 400 nghìn tỷ. “Đây là điểm, tôi lo cho anh Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, anh vừa phải lo cho tăng tín dụng năm tới dự kiến 14%, tức là có hơn 400 nghìn tỷ cộng 400 nghìn tỷ trái phiếu của Chính phủ mà vẫn phải đảm bảo không gây lạm phát. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, anh Bình làm việc này là dũng cảm mà làm được là hay”, đại biểu nói.

Cũng theo đại biểu Lịch, lâu nay chúng ta thường nói 65% nợ công là an toàn, nhưng theo đại biểu tính toán thì sau năm 2015, 1/3 nguồn thu ngân sách là để trả nợ. Nếu như vậy, đây là vấn đề không còn an toàn. Đại biểu Lịch đề nghị lấy một phần cổ tức ở một số đơn vị không phải SCIC để đầu tư, và cho rằng: “Đây là tiền lẻ, tôi nghĩ cọc tiền chẵn còn lớn hơn nhiều. Đó là cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Tôi đề xuất cổ phần hóa các tổng công ty như nhà máy bia, nước giải khát, may mặc, da giày… chứ không chỉ cổ phần công ty con, thoái vốn để lấy tiền đầu tư cho các công trình bức xúc về giao thông”.

Cùng quan điểm bán bớt cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước để tăng nguồn thu, đại biểu Trần Quang Chiểu - Nam Định lưu ý cần phân doanh nghiệp Nhà nước thành hai loại. Loại thứ nhất là các doanh nghiệp mà nhà nước cần phải đầu tư vốn, các doanh nghiệp vì lợi ích quốc gia mà các thành phần kinh tế khác không được làm, không được phép làm hoặc họ không muốn làm hay họ không làm.

Với các doanh nghiệp này, đại biểu đề nghị không thu cổ tức phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và nếu nguồn lực của đất nước còn dồi dào thì cần phải bổ sung thêm cho doanh nghiệp để tăng tiềm lực tài chính cho họ.

Loại thứ hai là các doanh nghiệp mà nhà nước không cần tham gia vốn, với loại doanh nghiệp này theo đại biểu, cần mạnh dạn cho bán vốn nhà nước ra thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế’ đồng thời có thêm nguồn lực cho đất nước với số tiền có thể nhiều chục nghìn tỷ đồng.

“Với tình hình hiện nay, năm ngân sách 2013 là một năm buồn, tôi hy vọng năm 2014 là một năm sẽ hết buồn”, đại biểu nói.

Minh bạch địa chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ

Theo đánh giá của Chủ tịch Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Trần Xuân Hòa cho rằng, chủ trương để lại lợi nhuận để các tập đoàn, tổng công ty đầu tư đã có, nay nếu thu lại chắc chắn rất khó khăn và có thể quay trở lại cơ chế xin - cho. Đặc biệt tại các dự án tập đoàn, tổng công ty đang đầu tư theo kế hoạch phê duyệt. 


Chủ tịch Vinacomin Trần Xuân Hòa.
Chủ tịch Vinacomin Trần Xuân Hòa.

Lấy ví dụ ở Vinacomin, ông Hòa cho biết: “Vinacomin được phê duyệt kế hoạch làm Nhà máy điện Nghệ An công suất 1.200 MW, Hải Phòng 3 là 2.400 MW và dự án sắt Thạch Khê... Với các dự án này, tổng nguồn vốn đầu tư từ 36.000 tỷ - 40.000 tỷ đồng, nhưng chúng tôi phải có vốn đối ứng, chỉ 20% cũng đã 8.000 tỷ đồng. Bây giờ dự kiến bình quân lợi nhuận hằng năm để lại chưa đáp ứng được 10%. Nếu thu cổ tức về ai sẽ chịu trách nhiệm các dự án đã phê duyệt, không thực hiện đúng tiến độ. Theo tôi, không nên đưa vào dự thảo quy định này, có chăng giải thích rõ đơn vị nào có kế hoạch nhà nước giao thì không nên thu.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “ Các đại biểu băn khoăn việc phát hành trái phiếu Chính phủ phải có địa chỉ cụ thể, tôi thấy đó là một đòi hỏi rất chính đáng. Chính tôi cũng đề xuất nên minh bạch toàn bộ những vấn đề này trước Quốc hội, được Quốc hội thông qua là yên tâm nhất, tốt nhất. Chúng ta không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích là sử dụng đồng tiền của nhân dân một cách minh bạch”.

Theo Bộ trưởng Vinh, Chính phủ đang chỉ đạo về việc thực hiện phát hành thêm 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ rất tích cực. Đầu tiên là ưu tiên cho Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14, 2 dự án này đều đã có danh mục chi tiết cho từng gói thầu một. Thứ hai là các dự án nằm trong giai đoạn đang đầu tư dở dang trong 2012 - 2015, trong đó có một dự án mới nằm ngoài là Sông Hậu.
 
Hiện Bộ Giao thông - Vận tải mới chỉ làm giai đoạn 1 là hơn 6.600 tỷ đồng. Số vốn 66.000 tỷ đồng còn lại của giai đoạn này sẽ bố trí cho các dự án dở dang.

“Danh mục này còn hơn 800 dự án dang dở, Chính phủ đã trình Quốc hội là không bổ sung thêm một danh mục nào. Hiện chúng tôi đang cùng địa phương rà soát chốt lại tổng mức đầu tư còn thiếu. Các đại biểu không nên quá lo về chuyện có danh mục mới, đó chỉ là những danh mục đang dang dở. Chúng tôi đang trình nguyên tắc, Chính phủ đã thông qua nguyên tắc bố trí cho các danh mục này, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đang chuẩn bị họp để thông qua nguyên tắc bố trí vốn cho những công trình dở dang này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bài: Nguyễn Hiền
Ảnh: Việt Hưng
Tỷ phú Buffett và những lời đồn quanh núi tiền mặt 40 tỷ USD