1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chính phủ mới của Ukraine tìm cách “dụ dỗ” giới tỷ phú

(Dân trí) - Chính phủ mới ở Ukraine trao quyền lực chính trị cho những người giàu nhất nước này để lôi kéo họ.

Tỷ phú tỷ phú Rinat Akhmetov của Ukraine.
Tỷ phú tỷ phú Rinat Akhmetov của Ukraine.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo hãng tin CNBC, các tỷ phú Nga từ lâu đã không còn xa lạ trên truyền thông phương Tây, nhưng các tỷ phú của Ukraine mới chỉ được biết đến nhiều khi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ập đến quốc gia này.

Sự bất mãn về con người, chính trị và tiền bạc đối với Tổng thống Viktor Yanukovych là động lực chủ chốt cho các cuộc biểu tình chống đẫm máu chống chính phủ ở Kiev, kéo theo đó là việc phế truất ông Yanukovych. Cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng, khối tài sản khổng lồ của con trai ông Yanukovych là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc ông này mất chức Tổng thống.

Tuy nhiên, ngay sau khi được thành lập Chính phủ mới của Ukraine đã ra sức lôi kéo những người giàu nhất nước này về phía mình. Hai trong số các tỷ phú của nước này là Igor Kolomoisky và Serhiy Taruta đã được trao quyền lãnh đạo hai khu vực quan trọng.

Trong đó, ông Tatura trở thành người đứng đầu ở Donetsk, một vùng đặc biệt quan trọng ở biên giới giữa Ukraine với Nga. Donetsk được coi là trọng tâm của các cuộc biểu tình của những người ủng hộ Nga.

Người giàu nhất Ukraine là tỷ phú Rinat Akhmetov, một nhân vật từng ủng hộ ông Yanukovych, thì đã lên tiếng tuyên bố rằng, công ty SCM của ông “sẽ làm tất cả những gì có thể để duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi”.

Về phần mình, tỷ phú Kolomoisky là lãnh đạo của vùng Dnipropetrovsk. Hôm thứ Hai tuần này, ông Kolomoisky đã nhảy vào giữa cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Ukraine và Nga khi gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “gã lùn mắc chứng tâm thần phân liệt”.

Ông Putin - người có chiều cao khoảng 1,74m - đã đáp trả lại câu nói này của vị tỷ phú người Ukraine trong cuộc họp báo diễn ra hôm thứ Ba: “Nhưng gì mà chúng ta thấy ở phía Đông (Ukraine) vào lúc này các tỷ phú được dựng lên thành thống đốc các vùng”.

Tạp chí Forbes tính toán rằng, Ukraine hiện đang có 9 tỷ phú USD. Họ đều là những người làm giàu từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, tương tự như các tỷ phú Nga. Giờ đây, họ đang nắm giữ một cơ hội để thoát khỏi ảnh hưởng của nước Nga và tiến về phía Liên minh châu Âu (EU).

“Họ không thích quá gần gũi với nước Nga vì họ sợ bị người Nga ‘ăn đứt’ họ”, ông Sam Greene, Giám đốc Viện Nga thuộc Đại học King’s ở London, Anh, nhận xét.

Thực tế cho thấy, các “đại gia” của Nga và Ukraine vốn dĩ không ngại va chạm nhau. Cuộc đấu giữa tỷ phú Roman Abramovich của Nga và tỷ phú Kolomoisky của Ukraine - trong đó ông Abramovich cáo buộc ông Kolomoisky lừa đảo hàng tỷ USD - là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, ông Kolomoisky cũng đã có một cuộc đấu rất công khai với “ông trùm” ngành đường ống của Ukraine là Victor Pinchuk. Ông Pinchuk là con rể của ông Leonid Kuchma, cựu Tổng thống Ukraine.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba tuần này, ông Putin đã đưa ra những bình luận cá nhân về cuộc tranh cãi giữa ông Abramovich và ông Kolomoisky. Tổng thống Nga nói rằng, ông Kolomoisky đã “lừa” ông Abramovich.

“Các chính trị gia Ukraine thường là các doanh nhân chính trị. Họ tham gia vào chính trị để gia tăng hoặc bảo vệ tài sản của mình”, chuyên gia kinh tế David Dalton thuộc Trung tâm Đông Âu tại tổ chức thông tin kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) nhận xét. “Sự khác biệt của Nga nằm ở chỗ, tại nước này, nhà nước mạnh hơn nhiều và có nhiều đường vòng phải đi”.

Sau khi xảy ra những biến động chính trị lịch sử gần đây, Ukraine không còn là một quốc gia có chính phủ trung tâm mạnh như ở Nga.

Việc bổ nhiệm ông Kolomoisky, một người Do Thái, vào ghế lãnh đạo một vùng của Ukraine được xem là một công cụ quan trọng để chống lại những tuyên bố của nước Nga cho rằng chính quyền mới ở Ukraine là “phát xít” hay “chống lại người Do Thái”. Đồng thời, đây cũng là một cách để Chính phủ mới của Ukraine lôi kéo tỷ phú này về phía mình.

Mặc dù vậy, giới phân tích cũng cho rằng, cách làm này có thể sẽ không giúp chính phủ mới của Ukraine đạt được những mục tiêu được tuyên bố về cải cách hệ thống kinh tế để tăng năng suất, sự sáng tạo và công bằng.

“Các cuộc biểu tình ở Ukraine đã bắt đầu để ủng hộ theo EU, sau đó chuyển sang chống chính phủ, rồi chống lại hệ thống kinh tế. Mục đích căn bản là tách riêng giữa kinh tế và chính trị”, chuyên gia Dalton nhận xét.

Phương Anh
Theo CNBC
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước