1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chính phủ lên kế hoạch chi trên 270.000 tỷ đồng để trả nợ

(Dân trí) - Trong năm nay, Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng. Trong đó, vay để bù đắp bội chi 254.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư 60.000 tỷ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại 43.000 tỷ đồng; vay đảo nợ 95.000 tỷ đồng. Số chi trả nợ là 273.300 tỷ đồng.

Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh năm 2016 tối đa là 39.000 tỷ đồng
Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh năm 2016 tối đa là 39.000 tỷ đồng

Vay 254.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định phê duyệt kế hoạch vay trả nợ vay của Chính phủ và các hạn mức vay trả nợ năm 2016. Theo đó, trong năm nay, Chính phủ có kế hoạch vay 452.000 tỷ đồng. Trong đó, vay để bù đắp bội chi 254.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư 60.000 tỷ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại 43.000 tỷ đồng; vay đảo nợ 95.000 tỷ đồng.

Về nguồn huy động vốn, theo Quyết định, Chính phủ sẽ vay trong nước từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) 336.000 tỷ đồng.

Khoản vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi ở mức 4,7 tỷ USD, tương đương 99.000 tỷ đồng. Trong đó có 43.000 tỷ đồng cho vay lại và 56.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN).

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính theo dõi, xem xét điều kiện thị trường vốn trong và ngoài nước để linh hoạt thực hiện huy động 17.000 tỷ đồng thông qua các hình thức khác như phát hành trái phiếu quốc tế, trái phiếu ngoại tệ trong nước… Trường hợp cần thiết phát hành trái phiếu quốc tế hoặc trái phiếu Samurai, Bộ Tài chính có nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng.

Vay đảo nợ 95.000 tỷ đồng

Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng cũng đã phê duyệt kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2016 là 273.300 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ được bố trí trong dự toán NSNN năm 2016 là 154.000 tỷ đồng, tương đương 15,2% dự toán NSNN; trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24.000 tỷ đồng; vay để đảo nợ 95.000 tỷ đồng.

Đối với hạn mức vay được Nhà nước bảo lãnh và vay thương mại trung dài hạn của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2016, Thủ tướng duyệt hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh năm 2016 tối đa là 39.000 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa là 23.000 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam tối đa là 13.000 tỷ đồng; các dự án trọng điểm quốc gia tối đa là 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hạn mức vay thương mại trung dài hạn của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả tối đa là 5,5 tỷ USD. Ngoài ra, hạn mức trái phiếu chính quyền địa phương được phê duyệt là 12.500 tỷ đồng.

Qua đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch vay và trả nợ Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong trường hợp giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi thực tế 2016 cho cân đối NSNN vượt quá mức 56.000 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám sát việc vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả trong hạn mức được duyệt. Trường hợp cần phải bổ sung hạn mức vay để đáp ứng nhu cầu thực tế vay trung dài hạn của doanh nghiệp FDI, Ngân hàng Nhà nước thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trong quý III/2016.

Bích Diệp

Chính phủ lên kế hoạch chi trên 270.000 tỷ đồng để trả nợ - 2