1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Chiêu thức” giúp Covid-19 đẩy những người giúp việc ở Hong Kong vào bẫy nợ

(Dân trí) - Sự bấp bênh trong công việc và áp lực phụ giúp gia đình trong lúc khủng hoảng đồng nghĩa với việc nhiều người giúp việc trong nước đang phải vật lộn với nợ nần và các mối đe dọa.

“Chiêu thức” giúp Covid-19 đẩy những người giúp việc ở Hong Kong vào bẫy nợ - 1
Người giúp việc nước ngoài ở Trung Hoàn, Hong Kong. Ảnh: Nora Tam.

Rose, một người giúp việc nhà quốc tịch Philippines ở Hong Kong, đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến một công ty cho vay khi người thân của cô mắc phải căn bệnh ung thư. Cho đến cuối năm ngoái, cô đã vay khoảng 20.000 HKD để chi trả cho các loại thuốc và việc điều trị cần thiết.

Rose nhanh chóng trả lại các khoản vay với số tiền 3.000 HKD mỗi tháng - hơn một nửa số tiền lương của cô. Nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 ập đến Hong Kong vào cuối tháng 1 đã làm xáo trộn mối quan hệ giữa cô và người chủ. Rose đột nhiên bị đuổi việc khoảng một tháng trước và ra đi mà không có kế hoạch dự phòng hay khoản tiết kiệm nào.

“Tôi sẽ trả, nhưng không phải bây giờ vì tôi thực sự không có tiền. Tôi không biết phải làm gì.”, cô nói.

Cuộc khủng hoảng đã dựng lên thêm những rào cản tài chính và đẩy người giúp việc nước ngoài ở Hong Kong như cô Rose rơi vào bẫy nợ nần. Trong khi một số người không thể trả các khoản vay, những người khác buộc phải vay thêm tiền từ bạn bè, người cho vay có giấy phép và vay nặng lãi.

Trước những bất ổn trong công việc và điều kiện làm việc khắt khe hơn ở Hong Kong, nhiều người đang chịu áp lực ngày càng lớn khi phải giúp gia đình ở quê nhà, vì người thân của họ bị mất các nguồn thu nhập sau khi các biện pháp cách lý được thực hiện ở các quốc gia như Philippines và Indonesia.

Những con số không tưởng và thách thức không thể lường trước

Hong Kong có khoảng 400.000 người giúp việc nước ngoài, hầu hết trong số họ đến từ Philippines và Indonesia.

Nhiều người vay tiền ngay khi bắt đầu hành trình nhập cư và thường phải trả phí môi giới bất hợp pháp. Nợ nần tăng lên khi người lao động tìm kiếm các khoản vay bổ sung để giải quyết các trường hợp khẩn cấp, trả học phí, sửa nhà hoặc thành lập những doanh nghiệp nhỏ.

Cuộc khủng hoảng mang đến thêm những thách thức khác bên cạnh vấn đề nợ nần đã tồn tại lâu nay của những người giúp việc với mức lương tối thiểu 4.630 HKD.

Angelica, 54 tuổi, đã gửi đơn khiếu nại cho cảnh sát khi người cho vay tiếp tục quấy rối cô mặc dù cô đã trả hết nợ. Cô cho biết cuộc sống đã trở nên khó khăn hơn kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. “Tôi rất buồn. Tiền lương của tôi là không đủ - bố mẹ và anh chị em tôi đều mất việc. Chúng tôi chẳng có gì cả.”

Angelica lo lắng về tình hình ở Philippines khi các biện pháp hạn chế vẫn còn duy trì và ở Hồng Kông, những người chủ nghiêm khắc hơn, họ không cho phép cô rời khỏi nhà. Điều tương tự cũng xảy ra với Samantha khi cô vay một khoản tiền nhỏ vài năm trước để trả cho tiền phẫu thuật của chị gái ở Philippines.

Những người giúp việc thường xuyên phải đối mặt với những cuộc gọi và tin nhắn đe dọa từ người cho vay, ảnh hưởng đến sự tự tin và an toàn lao động cũng như sức khỏe tinh thần của họ.

Dễ tổn thương hơn

Manisha Wijesinghe, giám đốc quản lý hồ sơ tại tổ chức phi lợi nhuận Giúp đỡ Người giúp việc, đã ghi nhận số lượng người giúp việc gặp rắc rối về tài chính ngày càng tăng.

Cô cho rằng cuộc khủng hoảng khiến những người giúp việc nhà cực kỳ dễ bị tổn thương. “Sự bấp bênh của thị trường việc làm làm khiến họ không biết được khi nào có thể trả nợ như thường, trong khi rất khó khăn để đàm phán với chủ nợ.”

Mendonza, quản lý cấp cao tại Enrich, một tổ chức từ thiện thúc đẩy trao quyền kinh tế cho những người giúp việc nhập cư trong thành phố cho rằng người Philippines và Indonesia có cùng thách thức. Nhưng người Indonesia có thể dễ bị tổn thương hơn bởi những người cho vay và ít có cơ hội kêu gọi sự giúp đỡ hơn, đặc biệt là khi nhiều người trong số họ không thể đọc và hiểu tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc. Thông thường, trong lúc tuyệt vọng, họ chỉ ký hợp đồng nếu có chứ không hoàn toàn hiểu hết.

Đâu là lối thoát?

Mặc dù xuất hiện một số tác nhân xấu, ngành công nghiệp cũng đã chứng kiến ​​sự nổi lên của các công ty đạo đức trong những năm gần đây, chẳng hạn như Good Financial. 

Trong khi đó, lãnh sự Philippines, Paul Saret cho biết 197 công nhân Philippines ở Hồng Kông đã nhận được khoảng 200 USD/mỗi người như một phần của chương trình hỗ trợ tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Ông nói thêm rằng các hình thức hỗ trợ khác sẽ được cung cấp cho người di cư nếu có nhu cầu, bao gồm tư vấn tài chính, nơi ở, thu nhập cho vận chuyển và thực phẩm cũng như vé máy bay.

“Chiêu thức” giúp Covid-19 đẩy những người giúp việc ở Hong Kong vào bẫy nợ - 2
Những người giúp việc tập trung tại Trung Hoàn, Hong Kong trong dịp cuối tuần Lễ Phục Sinh. Ảnh: Edmond So.

Tổng lãnh sự Indonesia, Ricky Suhendar, thừa nhận rằng nợ là một vấn đề phổ biến đối với những người lao động nhập cư Indonesia ở Hong Kong. Ông nói rằng lãnh sự quán đã tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức và các chương trình đào tạo về kiến ​​thức tài chính.

Tổng lãnh sự cho biết các vấn đề chính trong những tháng gần đây có liên quan đến đại dịch, bao gồm những khó khăn trong việc nhận khẩu trang, tăng khối lượng công việc, sử dụng quá nhiều hóa chất nguy hiểm để làm sạch, không được nghỉ phép và trì hoãn các vụ án tại Toà án Lao động và các tổ chức Hồng Kông khác. Ông nói rằng lãnh sự quán đã phân phát hơn 250.000 khẩu trang miễn phí và đang phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan tuyển dụng.

Hương Vũ

Theo SCMP