1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Nhiều doanh nghiệp Việt lao đao

Nhiều doanh nghiệp cho hay, đã có kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Chính phủ có các biện pháp gỡ khó cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu trong bối cảnh nhiều mặt hàng bị cạnh tranh gay gắt, đồng thời chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc: Nhiều doanh nghiệp Việt lao đao - 1

Liêu xiêu vì cuộc thương chiến

Trao đổi với PV Tiền Phong, tổng giám đốc doanh nghiệp xăng dầu lớn có trụ sở tại TPHCM cho hay, nhiều DN trong nước đang chịu tác động rất lớn từ thương chiến Mỹ - Trung Quốc mà không có kế sách đối phó hữu hiệu. Theo ông này, đến nay, sản xuất của nhiều DN trong các lĩnh vực sụt giảm, khiến các DN vận tải, ô tô đầu kéo cũng giảm bớt hoạt động vận chuyển. Số liệu thống kê bán nhiên liệu của tổng công ty cho thấy, nhiều DN sản xuất giảm tới 30% lượng hàng vận chuyển lên biên giới cũng như xuất khẩu, khiến lượng bán của các DN xăng dầu cũng suy giảm theo.

Cùng với đó, để trả đũa Mỹ, Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng ethanol buộc Mỹ phải dồn lượng hàng hóa đang bán từ thị trường đông dân nhất thế giới sang các nước Đông Nam Á, kéo theo giá bán giảm mạnh.

Cùng với tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu sắn từ Việt Nam khiến các DN sản xuất ethanol trong cảnh tiến thoái lưỡng nan: Giá ethanol nhập khẩu giảm, giá nguyên liệu sắn trong nước tăng cao do Trung Quốc tăng nhập khẩu.

“Nhiều đơn vị thuộc tổng công ty giảm lượng dầu bán ra tới hơn 30% trong các tháng qua do chịu tác động từ cuộc thương chiến này. Những tác động từ việc nâng thuế ethanol của Trung Quốc cũng khiến các DN sản xuất ethanol trong nước rơi vào cảnh thoi thóp”, vị này chia sẻ.

Với ngành dệt may, trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho hay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may trong nước đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, hiện tại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền của các nước, kéo theo giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc gây ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu. “Tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp không mấy khả quan so với cùng kỳ năm 2018”, Bộ Công Thương cho hay.

Các số liệu nghiên cứu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, nếu như trong năm 2018, tới giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm, thì hiện nay họ chỉ ký được các đơn hàng với số lượng nhỏ và ký theo tháng. Tâm lý chung của người mua đều tỏ ra lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung sẽ leo thang nên các đơn hàng bị chia nhỏ, thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm cho hay, tình trạng khan hiếm đơn hàng xuất khẩu hiện tại diễn ra khá phổ biến. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018, do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Doanh nghiệp ngành phân bón gặp khó

Nhiều doanh nghiệp ngành phân bón cho hay, đang gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh doanh sụt giảm. Số liệu của Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) cho thấy, trong 3 quý vừa qua, tổng công ty ghi nhận doanh thu thuần 5.398 tỷ đồng, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với doanh thu, lợi nhuận sau thuế của đơn vị cũng giảm 73% so với cùng kỳ, đạt 152 tỷ đồng. Thời tiết xấu, sản lượng tiêu thụ quý III giảm mạnh là nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm mạnh, kéo kết quả kinh doanh 9 tháng đi xuống.

Tình hình kinh doanh không thuận lợi cũng được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (BFC) khi sau 3 quý kinh doanh, doanh thu của đơn vị đạt 4.565 tỷ đồng. Lợi nhuận chỉ đạt 55,4 tỷ đồng, giảm tới 72,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình gặp khó khăn hơn với Công ty Cổ phần Phân bón miền Nam (SFG) khi lợi nhuận quý III/2019 ghi nhận lỗ 4,3 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng 8,9 tỷ đồng.

Tổng giám đốc Công ty Apatit Việt Nam (Apatit), ông Nguyễn Tiến Cường cho hay, doanh thu, sản lượng khai thác giảm kéo theo thu nhập bình quân đầu người lao động của công ty cũng giảm 15% so với cùng kỳ.

Xem lại vai trò các DN FDI

Chia sẻ tại hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), ông Nguyễn Anh Dương cho hay: Dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực nhưng tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn trong xu hướng giảm. Nền kinh tế Việt Nam hiện đứng trước thách thức về việc chất lượng tăng trưởng chưa tương xứng. Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư, địa điểm dịch chuyển đầu tư tương đối hấp dẫn nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cần chú ý đến hoạt động của các DN FDI cũng như có chính sách đối với thu hút FDI trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, việc chú ý đến hoạt động của các DN FDI là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung hiện nay. “Xuất khẩu 10 tháng đầu năm tăng 7,6%, trong đó xuất khẩu vào thị trường Mỹ dẫn đầu với mức tăng 26,6%, thị trường Nhật Bản tăng 7,5%, Hàn Quốc tăng 9%. Đáng lưu ý, xuất vào thị trường EU giảm 1,9%, Trung Quốc giảm 2,9%, cho thấy rủi ro rất lớn cho Việt Nam. Cần quản lý dòng vốn FDI, không cho vượt quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam, tránh để FDI vào chỉ để “giữ chỗ”, ông Cung nói.

Theo TS Nguyễn Ðình Cung, việc để tình  trạng tăng trưởng xuất khẩu đang phụ thuộc chính vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ không bền vững và nhiều rủi ro.

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong