1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chiến tranh thương mại làm suy yếu nền tảng phát triển của Trung Quốc

(Dân trí) - Các tác động tồi tệ nhất của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng trong dài hạn và có thể làm chậm tốc độ phát triển mạnh mẽ mà Trung Quốc có trong những thập kỷ gần đây, cựu đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (ÌMF) tại Hong Kong nhận định.

Ông Roche cảnh báo, việc chuyển giao công nghệ chậm chạp có thể làm suy yếu toàn bộ nền tảng phát triển của Trung Quốc trong thập kỷ qua. (Nguồn: SCMP)
Ông Roche cảnh báo, việc chuyển giao công nghệ chậm chạp có thể làm suy yếu toàn bộ nền tảng phát triển của Trung Quốc trong thập kỷ qua. (Nguồn: SCMP)

Ông Shaun Roche, hiện là giám đốc kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Standard & Poor's Global Ratings cũng cho biết, các nhà phân tích có xu hướng đánh giá quá cao tác động ngắn hạn của cuộc chiến thương mại này trong khi đánh giá thấp tác động lâu dài của nó.

Phát biểu bên lề các cuộc họp thường niên của IMF tại Bali mới đây, ông Roche cho biết, cách giải quyết ngắn hạn cho nền kinh tế Trung Quốc bây giờ là việc áp thuế có thể “dễ dàng bù đắp” bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và khấu hao tỷ giá nhân dân tệ, cũng là cách mà chính phủ Trung Quốc đang theo đuổi.

“Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn cho chính phủ Trung Quốc để bù đắp những hạn chế của các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hoa Kỳ, và các vấn đề khác làm chậm chuyển giao công nghệ từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản sang Trung Quốc”, ông nói.

Đáng nói, ông Roche cảnh báo, sự chuyển giao công nghệ chậm chạp này có thể làm suy yếu toàn bộ nền tảng phát triển của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Cụ thể là việc giảm độ thích ứng và đổi mới dựa trên công nghệ nước ngoài có thể làm xói mòn tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong tương lai.

Theo đó, giá cổ phiếu công nghệ Trung Quốc đã phản ánh sự tự tin của nhà nhà đầu tư đã và đang suy yếu. Nếu các công ty Trung Quốc tiếp tục phát triển như vậy thì ông này dự đoán rằng, có nhiều khả năng cổ phiếu sẽ giảm sâu hơn trong dài hạn.

Bên cạnh đó, ông Roche chỉ ra rằng, căng thẳng thương mại không chỉ giới hạn ở Mỹ và Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới châu Âu và Nhật Bản.

“Đây là một mối quan tâm chung”, ông nói và nhấn mạnh tuyên bố chung hồi tháng trước của các quan chức thương mại từ Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu tập trung vào giải quyết các chính sách và thực tiễn không theo định hướng thị trường của Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại không chỉ giới hạn ở Mỹ và Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác.
Căng thẳng thương mại không chỉ giới hạn ở Mỹ và Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, ông Roche tin rằng, có rất nhiều điều mà chính phủ Trung Quốc có thể làm để giải quyết xung đột thương mại và tránh những hậu quả tiêu cực lâu dài.

“Trung Quốc phải thể hiện sự sẵn lòng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cần phải cam kết nhiều hơn nữa rằng các công ty nước ngoài có thể hoạt động trên một sân chơi bình đẳng ở Trung Quốc mà không thấy công nghệ bị chuyển giao một cách bất công”, ông Roche cho hay.

Cụ thể hơn, Trung Quốc cần giải thích rõ chiến lược “Made in China 2025” cho các đối tác thương mại, và cần thể hiện cách đạt mục tiêu thị phần phù hợp với một sân chơi bình đẳng”, vì đây vẫn là mối quan tâm cốt lõi của cuộc xung đột thương mại, ông Roche nói.

Theo đó, “Made in China 2025” là kế hoạch 10 năm của Trung Quốc để trở thành nước tự cung tự cấp và chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị 10 ngành công nghiệp công nghệ cao tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, xe điện, hàng không vũ trụ và y sinh học.

Kế hoạch này đã gây ra mối quan tâm đáng kể cho Mỹ. Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng Trung Quốc chính là đang tìm cách đẩy các công ty Mỹ ra khỏi các thị trường trong tương lai.

“Trung Quốc đã nhắm vào các ngành công nghiệp của Mỹ trong tương lai. Nếu Trung Quốc nắm bắt thành công các ngành công nghiệp mới nổi này, Mỹ sẽ không có tương lai kinh tế”, ông Navarro nói.

“Đáp lại những lo ngại này, Mỹ đã đi trước một bước”, ông Roche nói.

Nhưng châu Âu và Nhật Bản lại đang nỗ lực khiến Mỹ có thể giải quyết những mối quan ngại chung này thông qua khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới thay vì chỉ dựa vào áp lực đơn phương.

Do đó, căng thẳng thương mại có thể sẽ kéo dài trong một thời gian, ông Roche dự đoán.

Với quyết tâm của Trung Quốc trong kế hoạch kinh tế 5 năm của mình, Bắc Kinh dường như sẽ không bao giờ thay đổi hướng đi của mình trong vài năm tới với kế hoạch 5 năm mới nhất của nước này sẽ kết thúc vào năm 2020.

“Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang tiến thêm một chút về phía Mỹ. Và Mỹ đang tiến gần hơn một chút đến châu Âu và Nhật Bản. Vì vậy, có lẽ chúng ta sẽ thấy các nước hội tụ tại một thời điểm nào đó trong tương lai”, ông Roche dự đoán.

Những tác động ngắn hạn của cuộc chiến thương mại đã khiến đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 9% giá trị so với đồng USD trong 6 tháng qua.

Vào ngày 7/10 vừa qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tuyên bố sẽ cắt giảm số tiền dự trữ tại ngân hàng trung ương để “bơm” khoảng 110 tỷ USD vào hệ thống liên ngân hàng trong nước.

Ngoài ra, hôm 14/10, Yi Gang, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cho biết, Chính phủ vẫn còn “nhiều lựa chọn” khi ổn định tăng trưởng kinh tế và đối phó với những bất ổn bên ngoài, bao gồm việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa.

Hồng Vân
Theo SCMP

Chiến tranh thương mại làm suy yếu nền tảng phát triển của Trung Quốc - 3