“Chiến thuật” ứng xử với đồng nghiệp xấu tính

(Dân trí) - Công sở nào cũng có một vài đồng nghiệp xấu tính - những người thích tranh công, hay ganh ghét và thích nói xấu người khác. Để đối phó với những nhân vật như vậy, bạn cần có thái độ tự tin cùng một số “chiến thuật”.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một điều cần lưu ý là nếu bạn đang bị đồng nghiệp chơi xấu thì bạn hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt. Theo báo Wall Street Journal, một nghiên cứu do Đại học Georgetown và Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird thực hiện đã phát hiện ra rằng, 69% nhân viên được hỏi cho biết đã từng bị đồng nghiệp chơi xấu, 98% cho biết đã từng chứng kiến hành vi chơi xấu trong môi trường công sở.

Tuy nhiên, nếu bạn áp dụng những chiến thuật “bẩn” để chống lại những người đồng nghiệp này, thì vô hình chung, bạn cũng thành một người xấu tính ở công sở. Dưới đây là một số “chiến thuật” hợp lý mà chuyên gia tâm lý học Shawn Achor đưa ra để giúp bạn xử lý tình huống khi bị những đồng nghiệp như vậy cản trở:

1. Hạ gục đồng nghiệp xấu tính bằng sự nhân hậu

Mỉm cười là cách “giải trừ vũ khí” quan trọng nhất nhằm vào đối phương mà bạn có thể sử dụng khi đối phó với những đồng nghiệp xấu tính. “Chúng ta hiếm khi thực sự hiểu hết về những người làm việc cùng”, chuyên gia Achor nói. “Những đồng nghiệp xấu tính thường có điều gì đó không hạnh phúc trong cuộc sống riêng tư của họ”.

Bởi vậy, ông Achor đưa ra lời khuyên rằng, hãy cố gắng thể hiện sự trắc ẩn, nhân hậu và nhớ rằng, lợi thế cạnh tranh bền bỉ nhất, tốt nhất trong nền kinh tế hiện nay là một bộ não với những suy nghĩ tích cực. Mỗi khi có thể, hãy mỉm cười và đối xử tử tế với đồng nghiệp xấu tính. Nếu bạn làm được điều đó, người đồng nghiệp này có thể sẽ không còn muốn chơi xấu bạn nữa.

2. Ghi chép cẩn thận thành quả công việc của bạn


Để tránh bị đồng nghiệp xấu phá hoại công việc, hãy luôn đi trước họ một bước. Chẳng hạn, nếu công ty đang chuẩn bị có một buổi thuyết trình, hãy đảm bảo chắc chắn là bạn đã ghi chép và lưu trữ đầy đủ nội dung và bạn sẽ đóng góp, kiểm tra kỹ lưỡng tên của bạn ở phần tên tác giả trong tài liệu thuyết trình.

Một điều bạn cần lưu ý nữa là không bao giờ nói hay viết bất kỳ điều gì mà bạn không muốn công khai trong một môi trường làm việc có những đồng nghiệp xấu. Bởi lẽ, cách dễ dàng nhất để đồng nghiệp xấu phá hoại bạn là bạn tiết lộ những bí mật của mình.

3. Không so sánh hoặc cố gắng “ăn thua” với đồng nghiệp xấu

Với những đồng nghiệp xấu, tốt hơn hết đừng bao giờ tìm cách so sánh thiệt hơn hay “ăn thua” với họ. Theo chuyên gia tâm lý Achor, cách dễ dàng nhất để cảm thấy kém vui ve trong công việc là so sánh mình với người khác. Hãy tạo cho mình khả năng “miễn nhiễm” với những so sánh và để người khác “chán” so sánh họ với bạn bằng cách chỉ im lặng mỗi khi họ tìm cách so sánh.

4. Xem xét xem bạn có thể có lợi ích gì nếu hợp tác làm việc với đồng nghiệp xấu hay không?

Hãy dành một vài phút để suy nghĩ kỹ về tình huống mà bạn đang rơi vào với đồng nghiệp xấu, nghĩ về tình huống đó thật khách quan. Chuyên gia Achor gợi ý, bạn có thể tự hỏi bản thân: Liệu anh/cô ấy (đồng nghiệp xấu tính) thực sự là một mối đe dọa đối với bạn hay thực ra, bạn có thể một vài điều từ một người cơ hội?

“Nếu anh/cô ấy thực sự là một mối đe dọa, tốt nhất bạn nên tránh. Nhưng nếu không, tại sao không thử hợp tác, làm việc cùng”, ông Achor nói. “Kẻ thù ngày hôm nay chưa chắc đã là kẻ thù vào ngày mai”.

5. Cuối cùng, hãy tin là bạn sẽ đạt được thành công


Có thể bạn không có tinh thần ganh đua và tham vọng cao như người đồng nghiệp xấu tính đang muốn ngáng đường bạn, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ bị tụt lại phía sau. Nếu bạn tập trung vào phát triển các thế mạnh của bản thân và biết hỗ trợ các đồng nghiệp khác khi có thể, các cơ hội thành công sẽ mở ra cho bạn.

Trên thực tế, trong một nghiên cứu rộng của chuyên gia Achor về mức độ hạnh phúc và tiến bộ trong môi trường làm việc, ông đã phát hiện ra rằng, những người biết hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc có khả năng được thăng chức cao hơn 40% so với những người khác. “Tốt bụng rất có ích”, chuyên gia này kết luận, nhưng cũng khuyến cáo rằng, bạn nên giúp đỡ người khác “một cách có chiến lược”.

Phương Anh
Theo Career Bliss