1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đà Nẵng:

Chỉ 7,1% người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng có vấn đề

(Dân trí) - Khi mua phải hàng hóa, dịch vụ có vấn đề, gần 1/2 người tiêu dùng được hỏi lựa chọn “bỏ qua và không đến mua lại lần sau”, 43,1% chọn “phàn nàn và yêu cầu người bán đổi sản phẩm” và chỉ 7,1% lựa chọn giải pháp khiếu nại với cơ quan chức năng.

Đó là kết quả khảo sát người tiêu dùng trên địa bàn Đà Nẵng vừa được đưa ra trong buổi tọa đàm “Doanh nghiệp Đà Nẵng cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” diễn ra sáng nay 14/3.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Mân, PGĐ công ty TNHH gas Petrolimex Đà Nẵng - Chủ tịch chi hội gas miền Trung, chưa nhiều người tiêu dùng Việt Nam biết và thực hiện quyền của mình. 
 
Ông Mân viện dẫn kết quả khảo sát đối với 745 người tiêu dùng trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2010 là: khi mua phải hàng hóa, dịch vụ có vấn đề, gần 1/2 người tiêu dùng được hỏi lựa chọn hành động “bỏ qua và không đến mua lại lần sau”, 43,1% chọn giải pháp “phàn nàn và yêu cầu người bán đổi sản phẩm” và chỉ một tỷ lệ khiêm tốn là 7,1% lựa chọn giải pháp khiếu nại với cơ quan chức năng.
 
Chỉ 7,1% người tiêu dùng khiếu nại khi mua hàng có vấn đề
Chỉ một tỷ lệ khiêm tốn là 7,1% lựa chọn giải pháp khiếu nại với cơ quan chức năng khi mua hàng hóa có vấn đề

 

Kết quả này cho thấy, phần lớn người dân được hỏi không ý thực được quyền lợi của mình trong tiêu dùng sản phẩm.

 

“Điều này chứng tỏ công tác tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng của ta chưa đến được với hầu hết người tiêu dùng và hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa ghi được dấu ấn rõ nét”, ông Mân nhận xét.

 

Ngoài ra, theo ông Mân, một nguyên nhân quan trọng nữa là do người tiêu dùng không có cơ hội để thực hiện quyền được lựa chọn bởi sự thiếu vắng thông tin và thông tin không chắc chắn được công bố của nhà sản xuất, thiếu vắng phương tiện kiểm tra của người tiêu dùng, chưa có được những kênh phân phối hữu hiệu, công bố thiếu nhất quán của cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông.

 

Vì vậy, trước thực trạng hỗn độn của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí là độc hại và vô số hành vi gian lận thương mại, đa số đều phó mặc vào lương tâm người bán.

 

Còn theo ông Lữ Bằng, PGĐ Sở công thương TP Đà Nẵng, chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Đà Nẵng cho hay, hầu hết khiếu nại của người tiêu dùng còn mang tính riêng lẻ, tính chất sự việc ít nghiêm trọng.

 

Trong khi, trên thực tế, hàng năm, số vụ vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng do lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý ngày càng tăng và đặc biệt là việc buôn bán, nhập khẩu hàng lậu, hàng nhái, hàng giả…

 

Cụ thể, trong năm 2013, Chi cục quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra gần 5.400 vụ trong đó xử lý hơn 4.300 vụ, tăng 41% so với năm 2012.

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn, giám đốc công ty TNHH Hương Quế cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng là việc làm không phải của riêng ai, đặc biệt không chỉ của nhà sản xuất, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà cần phải có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.

 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giá, cẩn trọng, chú ý khi mua sản phẩm.

 

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Mân, đối với mặt hàng tươi sống, Nhà nước cần sắp xếp kênh phân phối ở chợ truyền thống bằng các gian hàng có thương hiệu, hàng hóa được gói tạm với chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đồng thời trang bị các phương tiện test nhanh (người tiêu dùng trả tiền) để người mua kiểm chứng và lựa chọn. 

 

Đối với thức ăn nhanh, thức ăn đường phố, Nhà nước nên tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở và có kế hoạch công bố, tạo áp lực để nhà cung cấp nâng cao chất lượng và cơ sở nhận biết để người tiêu dùng lựa chọn…

 

Khánh Hồng 
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước