1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Châu Âu đạt được bước ngoặt trong "giải cứu" đồng Euro

(Dân trí) - Sau những cuộc thương lượng kéo dài suốt đêm qua, cuối cùng các lãnh đạo EU cũng đã đạt được sự đồng thuận trong việc sử dụng ngân sách của khối để bơm thẳng tới các ngân hàng gặp khó khăn, một bước đi quan trọng để giúp ổn định tình hình khu vực.

Cuộc họp thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU bắt đầu sáng hôm qua tại Brussels Bỉ được kỳ vọng sẽ đưa ra những bước đột phá trong việc lên kế hoạch ngăn chặn kinh tế khu vực đổ vỡ. Chính vì vậy các cuộc đàm phán đã diễn ra rất căng thẳng và kéo dài đến tận rạng sáng nay (theo giờ châu Âu) mới có thể đạt được sự đồng thuận.

Các nhà lãnh đạo EU cuối cùng cũng đạt được đồng thuận (Ảnh: Getty)
Các nhà lãnh đạo EU cuối cùng cũng đạt được đồng thuận (Ảnh: Getty)

Theo hãng tin AP, kết quả này cho thấy Đức cuối cùng cũng chấp thuận nhượng bộ chút ít trong việc thực hiện những cải cách khó khăn để đổi lại tiền cứu trợ. Đây được xem như chiến thắng cho người Italia và Tây Ban Nha (TBN), những nước khẳng định rằng họ rất nỗ lực để lành mạnh hóa nền kinh tế của mình nhưng lại phải đối mặt với khó khăn do chi phí vay vốn tăng cao.

Đón nhận thông tin các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý kế hoạch tái cấp vốn và liên kết chặt chẽ hơn, các thị trường chứng khoán châu Á đã tăng điểm. Tính đến 14h33 phút hôm nay, chỉ số Nikkei đã tăng 1,5% trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng tới hơn 2%. Trước đó, những lo ngại về khủng hoảng nợ công đã khiến các nhà đầu tư khắp nơi thực sự lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tầm quan trọng việc tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng đã trở nên rõ ràng khi TBN đã buộc phải đề nghị EU cấp 100 tỷ Euro để hỗ trợ các ngân hàng nước này. Theo quy định hiện tại, các khoản vay chỉ được chuyển cho chính phủ các nước thành viên và sau đó các nước này mới cho các ngân hàng vay. Nhưng việc khoản nợ này bị ghi nhận cho chính phủ, vốn đã rất khó khăn vì nợ công tăng cao, khiến các nhà đầu tư lo lắng và đưa ra mức lãi cho vay rất cao.

Hậu quả là các mức lãi suất sẽ không thể ổn định lâu dài. Việc cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng sẽ giúp chính phủ các nước như TBN hay Italia bớt được gánh nặng nợ nần. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy gọi thỏa thuận này là “một bước đột phá bởi các ngân hàng sẽ được tái cấp vốn trực tiếp”.

Cùng với thỏa thuận trên các nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý rằng các thành viên tuân thủ kỷ luật về tài khóa có thể được nhận các khoản giải cứu mà không bị kèm theo các điều kiện ngặt nghèo như trước đây. Theo Thủ tướng Italia Mario Monti thì đây chính là một sự ghi nhận với những nỗ lực của các quốc gia đang cải cách chi tiêu.

Chủ tịch Van Rompuy nhấn mạnh: “Chúng ta đang mở ra khả năng cho các nước có chính sách đúng đắn có thể sử dụng các công cụ ổn định tài chính, EFSF và ESM, để ổn định thị trường cũng như tìm lại sự ổn định tại một số quốc gia thành viên của chúng ta”. Ông khẳng định điều đó có nghĩa là không còn quốc gia nào phải vật lộn với các điều kiện hà khắc từng được áp dụng với các thành viên EU từng nhận cứu trợ trước đây.

Cũng trong đêm thứ Năm (giờ châu Âu), các nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng ý triển khai gói kích thích kinh tế 120 tỷ Euro để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm.

Thanh Tùng
Theo AP