1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Châu Á đối mặt với lạm phát và luồng vốn nóng

(Dân trí) - Châu Á được đánh giá đang đi đầu trong quá trình dẫn dắt phục hồi phát triển kinh tế toàn cầu, nhưng theo các Bộ trưởng, “mở sâm panh” ăn mừng vào lúc này là quá sớm khi châu Á vẫn còn nhiều thách thức như: lạm phát, luồng vốn ở các nước mới nổi…

Tại Phiên họp toàn thể đầu tiên Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các thống đốc và diễn giả đánh giá cao vai trò của ADB trong việc giúp các nước thoát khỏi khủng hoảng và trở thành động lực phát triển kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu khủng hoảng. Các thống đốc cũng đánh giá cao sự tiếp đón nồng hậu của nước chủ nhà Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị năm nay, đồng thời chia sẻ sự mất mát đối với người dân Nhật Bản trong thảm họa động đất sóng thần vừa qua.
 
Châu Á đối mặt với lạm phát và luồng vốn nóng  - 1

Các thống đốc đánh giá cao vai trò của ADB trong sự phát triển chung của châu Á.
 
Nhìn về hoạt động của ADB năm 2010, các thống đốc coi ADB là đối tác tin cậy giúp các nước trong khu vực vượt qua khủng hoảng tài chính, lấy lại đà tăng trưởng ổn định hơn. Các thành quả về kinh tế qua hợp tác các nước trong khu vực cũng được đánh giá cao tại cuộc họp.
 
Tuy nhiên, theo nhận định từ các diễn giả, lạm phát trong bối cảnh giá lương thực và giá dầu gia tăng đang là vấn đề cấp bách mà khu vực cần giải quyết. Ngoài ra, nguồn vốn nóng vào châu Á cũng khiến nhiều nền kinh tế tại đây tăng trưởng quá nóng…
 
“Kinh tế châu Á phục hồi nhanh hơn ở châu Âu, có thể thấy rõ rằng thời gian qua nước Đức đã nhập khẩu ngày càng nhiều hơn từ châu Á. Thương mại của Đức với Việt Nam và Trung Quốc đã tăng 15% trong năm qua” - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức cho biết.
 
Theo đề xuất từ Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Li Yong, khu vực châu Á vẫn phải tiếp tục thảo luận và trao đổi thông tin về những kinh nghiệm giảm đói nghèo, nhằm đưa khu vực ngày phát triển. ADB cần tiến hành cải cách để giải quyết những vấn đề của khu vực, những thách thức xã hội. Nếu ADB có thể chia sẻ có hệ thống với các quốc gia đang phát triển, cung cấp những nghiên cứu về những thay đổi của các nền kinh tế, các quốc gia thành viên thì các chính sách sẽ hoàn thiện hơn.
 
Ngân hàng trung ương các nước châu Á cũng tán thành việc ADB cần tiếp tục mở rộng và hợp tác với quốc gia thành viên. Cùng với đó, ADB nên huy động thêm các nguồn lực để giúp các quốc gia thành viên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Theo Bộ trưởng Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Jeung Hyun Yoon, nền kinh tế thế giới bước đầu đã vượt qua khủng hoảng và châu Á đã đi đầu trong quá trình dẫn dắt phục hồi phát triển. Tuy nhiên, “mở sâm panh” ăn mừng vào lúc này là quá sớm khi châu Á vẫn còn nhiều thách thức ngắn hạn và dài hạn như: lạm phát, luồng vốn ở các nước mới nổi.
 
“Trong trung hạn và dài hạn, chúng ta phải tìm được nguồn vốn tăng trưởng mới. Chúng ta không được phép để khu vực thiếu vốn. Châu Á cần phải có nỗ lực ngăn chặn lạm phát, giá lương thực, năng lượng, bất ổn … tạo ra lo ngại về cầu đối với hàng hóa”, ông Jeung Hyun Yoon nói. Theo đó, Hàn Quốc cũng đề nghị thành lập Uỷ ban tầm nhìn châu Á để xem xét liên kết khu vực, trong đó có vai trò của ADB.

Ngoài ra, đại diện ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính các nước châu Á cho rằng, trong thời gian tới, ngoài đẩy mạnh hợp tác quốc tế, cần có nỗ lực chung để giải quyết sức ép lạm pháp trong đó tập trung vào giảm chi phí sản xuất, đầu tư vào ngành công nghiệp, tìm nguồn tăng trưởng mới. Và với 2/3 dân số nghèo đang tập trung ở khu vực châu Á, các thống đốc khuyến nghị nguồn vốn hỗ trợ từ ADB thời gian tới nên tập trung vào các nước nghèo, người nghèo…

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc kiến nghị, vai trò của ADB ngày càng quan trọng hơn, ADB nên huy động thêm các nguồn lực tài chính, trong đó có cả nguồn lực tư nhân để thúc đẩy thêm các nguồn lực xã hội, tạo nguồn vốn dồi dào hỗ trợ các nước đang phát triển phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

An Hạ