1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chấm dứt tình trạng coi ODA là “bầu sữa miễn phí”

(Dân trí) - Thay vì cấp phát như trước, Chính phủ sẽ yêu cầu các địa phương phải vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ. Khi UBND cấp tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, tỉnh phải xác định được cơ chế tài chính, tỷ lệ cho vay lại, hiệu quả dự án, khả năng trả nợ.

Việc cấp phát ODA khiến nhiều địa phương có tâm lý ỷ lại, không chú ý hiệu quả khi triển khai dự án (ảnh minh họa)
Việc cấp phát ODA khiến nhiều địa phương có tâm lý ỷ lại, không chú ý hiệu quả khi triển khai dự án (ảnh minh họa)

Còn 1 tháng nữa, World Bank cắt ODA ưu đãi với Việt Nam

Thông tin tại cuộc họp báo chuyên đề chiều nay (31/5), bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2004 - 2015, trong tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết khoảng 45 tỷ USD, số vốn vay dành cho các chương trình dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương khoảng 15,51 tỷ USD (chiếm 35%).

Đáng nói là trong tổng số vốn vay cho chương trình dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát còn lớn, lên tới 92,2%. Tỷ trọng cho vay lại rất hạn chế, chỉ chiếm 7,8%.

Thực trạng này, theo đại diện Bộ Tài chính, xuất phát từ đặc điểm của giai đoạn trước là các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn để xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội nhưng phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, trung ương phải trợ cấp.

Tính đến năm 2015, mới chỉ có 13 địa phương tự cân đối được thu chi và điều tiết về Trung ương, các địa phương khác còn nhiều khó khăn, một số địa phương đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nguồn vốn huy động được trong giai đoạn này có tính ưu đãi cao, chủ yếu là vốn ODA với lãi suất trung bình khoảng 1%, kỳ hạn dài đến 40 năm.

Tuy nhiên từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt.

“Từ tháng 7 năm nay, Việt Nam không còn được vay vốn Ngân hàng Thế giới - WB theo điều kiện ODA, sau đó sẽ đến các đối tác phát triển khác; Việt Nam phải chuyển sang sử dụng chủ yếu là nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay toàn bộ theo điều kiện thị trường”, bà Thảo nêu rõ.

Đỉnh nợ công là năm 2017-2018

Mặt khác, cơ chế cấp phát cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, chưa đảm bảo sự hỗ trợ đồng đều của Trung ương tới các địa phương. Chẳng hạn như có tình trạng một số địa phương lớn được hỗ trợ nhiều, địa phương nhỏ khó khăn hơn được hỗ trợ ít (do quy mô của dự án nhỏ hơn).

Cơ chế cấp phát chưa khuyến khích các địa phương phát huy tối đa tính chủ động để đạt được hiệu quả sử dụng vốn tối ưu. Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước 2015 (có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017) cũng đã chính thức quy định quyền vay nợ của địa phương (thông qua các quy định về bội chi, hạn mức nợ...).

Trên cơ sở thực tế nói trên, Nghị định số 52 năm 2017 ra đời nhằm quy định rõ về cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương.

Theo đó, Nghị định yêu cầu, khi UBND cấp tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, tỉnh phải xác định được cơ chế tài chính, tỷ lệ cho vay lại, hiệu quả dự án, khả năng trả nợ. Địa phương không được nợ quá hạn của Chính phủ 180 ngày.

“Việc cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với UBND cấp tỉnh phải đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với khả năng tài chính của ngân sách địa phương”, ông Thảo nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, dự kiến nợ công thời điểm 31/12/2016, nợ công khoảng 63,7% của GDP, nợ chính phủ 52,6%, nợ Chính phủ bảo lãnh 10,3%, nợ địa phương 0,8%.

Đỉnh nợ công là năm 2017-2018, sau đó cùng với tái cơ cấu nợ công, dự báo nợ công sẽ giảm từ năm 2018 trở đi.

Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm bao gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương (theo mức độ trợ cấp), và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương.

Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 3 nhóm, bao gồm nhóm các địa phương khó khăn nhất (được ngân sách Trung ương trợ cấp trên 70%) và có huyện thuộc danh mục Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhóm các tỉnh khác nhận trợ cấp từ NSTW và nhóm các tỉnh có điều tiết về trung ương.

Đối với các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP), tỷ lệ cho vay lại thống nhất là 70%.

Bích Diệp