1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cảnh giác với... lợi nhuận!

Thị trường chứng khoán thời gian qua đã sống trong sự hồ hởi. Vn-Index tăng là một dấu hiệu, nhưng đáng chú ý hơn là sự gia tăng của dòng tiền đổ vào thị trường. Niềm lạc quan đã trở thành niềm phấn khích dẫn hướng nhiều nhà đầu tư.

Cảnh giác với... lợi nhuận! - 1
Nhà đầu tư hồ hởi với dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đang tăng mạnh.

Công ty niêm yết: lợi nhuận nhiều, kích giá cổ phiếu

Không phải đến thời điểm này, kết quả sản xuất kinh doanh, và đặc biệt là lợi nhuận của nhiều công ty niêm yết mới xuất hiện. Khoảng từ hơn một tháng trước, một số tin tức bị rò rỉ đã cho thấy khoản lợi nhuận ấn tượng của các công ty này.

Và nay, khi tin chính thức được công bố, những người thạo tin đã bình thản. Bởi vì thông tin đó đã “tích hợp” vào giá cổ phiếu từ lâu.

Hai mã thuộc ngành cao su trên sàn Hose là DRC (công ty cổ phần cao su Đà Nẵng) và CSM (công ty cổ phần cao su miền Nam) đã có khoản lợi nhuận đột biến. DRC lãi 280 tỉ đồng, CSM lãi 241 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một số công ty khác cũng công bố những số liệu đầy lạc quan: công ty cổ phần Xuyên Thái Bình (PAN) đạt 186% kế hoạch lợi nhuận, tổng công ty Tài chính dầu khí đạt 200% kế hoạch lợi nhuận...

Lợi nhuận cao thì giá cổ phiếu tăng, cổ phiếu tăng thì lực mua tăng, cầu lớn hơn cung. Chênh lệch cung cầu như vậy lại làm cổ phiếu nóng hơn. Sự hồ hởi của nhà đầu tư lan tỏa rộng, khiến chứng khoán càng thu hút nhiều tiền đổ vào.

Đặt trong bối cảnh thị trường vàng đầy rủi ro do giá biến động trái với dự báo, hay địa ốc vẫn nguội, chứng khoán đã tỏ ra là kênh đầu tư hiệu quả nhất thời điểm này.

Không phải vô cớ mà chợ chứng khoán chứng kiến những kỷ lục liên tục về giá trị giao dịch trong tháng 10/2009: từ hơn 5.000 tỉ, lên đến hơn 8.000 tỉ đồng, tổng cộng cả hai sàn. Dòng tiền rất mạnh khiến cho dự báo của nhiều công ty chứng khoán đều chung một kết quả: cổ phiếu sẽ còn tăng đến cuối năm.

Lợi nhuận từ đâu ra?

Không phải nhà đầu tư nào cũng phát hiện thấy sự bất thường trong các con số về lợi nhuận được công bố. Có những công ty thật sự có lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính, do tận dụng được cơ hội từ vốn kích cầu giá rẻ, để tăng doanh số và lợi nhuận.

Cũng có công ty do chiến lược nền tảng tốt, chuẩn bị kỹ, đã ít chịu tác động từ khủng hoảng. Từ đó, họ đã xài tốt cơ hội và tăng trưởng.

Thế nhưng, ngược lại thời gian từ đầu quý 2 năm nay, sẽ thấy một nguồn cơn khác khiến thị trường tăng điểm. Đó là chính sự hồ hởi của nhà đầu tư đã kích thích cổ phiếu tăng giá.

Ở thời điểm đó, phần lớn các nhà đầu tư tổ chức, quỹ đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng, Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân đã đột phá chạy trước. Họ tranh mua, làm giá cổ phiếu vọt lên. Bên mua tranh nhau, bên bán ém hàng lại, khiến giá cổ phiếu phi như ngựa.

Một thực trạng không có gì là bí mật là phần lớn công ty niêm yết hiện nay đều có một ngân khoản dành riêng cho đầu tư tài chính. Họ cũng mua bán cổ phiếu trên sàn, có danh mục và cũng thua lỗ, phải trích lập dự phòng trong thời gian trước.

Nhờ thị trường nóng lên, họ bán cổ phiếu nắm giữ ra kiếm lời. Khoản lời này giúp hoàn nhập trở lại các khoản trích lập, đồng thời làm tăng lợi nhuận đột biến.

Chuỗi tác động dây chuyền tóm tắt là: nhà đầu tư hồ hởi đẩy giá cổ phiếu lên ---> công ty có danh mục đầu tư tài chính được lợi, tăng lợi nhuận ---> nhà đầu tư thấy công ty có lãi lớn càng tranh mua ---> thị trường càng nóng.

Dĩ nhiên, đảm bảo cho thị trường tăng còn là từ tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô cùng biến động tăng của thị trường chứng khoán thế giới. Nhưng rõ ràng, ở thị trường trong nước, khoản lợi nhuận của công ty niêm yết được hình thành một phần quan trọng từ chính nhà đầu tư!

Coi chừng quả đắng

Logic nói trên được kiểm chứng bằng chính các số liệu được công ty niêm yết công bố. Đó là lợi nhuận tăng vọt, nhưng doanh thu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lõi, lại không tăng. Doanh thu không tăng mà lợi nhuận tăng đột biến thì không thể duy trì lâu.

Mặt khác, khi các ưu thế ngắn hạn về nguồn vốn rẻ bị siết lại, hoặc nguyên vật liệu rẻ tăng giá, thì khoản lợi nhuận từ đầu tư tài chính càng bộc lộ rõ.

Yếu tố đòn bẩy tài chính trong kinh doanh chứng khoán lại đang được “bật đèn vàng” báo động về mức độ rủi ro tăng lên. Khi nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán bằng đòn bẩy tài chính, khả năng thua lỗ nặng khi thị trường đảo chiều là rất lớn. Nói một cách khác, chính nhà đầu tư đã góp phần thổi “bong bóng thị trường” phình lên và dễ vỡ.

Chứng khoán được coi là hàn thử biểu của kinh tế. Nhưng theo chúng tôi, chưa thể vội hồ hởi rằng chứng khoán tăng như thời gian qua nghĩa là sức khỏe nền kinh tế đã ổn. Dòng tiền nóng đầu tư vào chứng khoán mới chỉ chủ yếu phản ánh tâm lý lạc quan lan truyền của các nhà đầu tư.

Và nếu sự lạc quan không gắn với sự tỉnh táo về nguồn gốc lợi nhuận của công ty niêm yết, thì rất có thể nhà đầu tư sẽ hái quả đắng.

Theo Vũ Thượng
Báo SGTT