1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Căng thẳng Ukraine tăng nhiệt, chứng khoán Nga xuống sát đáy 5 năm

(Dân trí) - Tình hình quanh bán đảo Crimea của Ukraine đang ngày càng tăng nhiệt khi những hoạt động quân sự dồn dập được triển khai trước ngày trưng cầu dân ý. Diễn biến này khiến thị trường chứng khoán Nga ngày 14/3 lao xuống mức thấp nhất 4 năm rưỡi qua.

Với việc Crimea sẽ tiến hành trưng cầu dân ý vào Chủ nhật này để tách khỏi Ukraine và gia nhập liên bang Nga, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nga phiên cuối tuần đã bán tháo mạnh, khiến chỉ số MICEX lao dốc.

Nga đang có cuộc tập trận lớn gần Ukraine
Nga đang có cuộc tập trận lớn gần Ukraine

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Thủ tướng áp tiến độ cổ phần hóa cho Bộ trưởng, sếp DNNN

* Nợ công của Italy tăng lên mức kỷ lục 2.100 tỷ euro

* Thêm bằng chứng máy bay mất tích đã bị không tặc khống chế

* Nhà ở xã hội: Không chỉ là giá rẻ, nhà bé

Trong sáng thứ Sáu, chỉ số này đã mất khoảng 2%, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về tác động của cuộc trưng cầu dân ý này. Trước đó, đã có thời điểm MICEX mất tới 5%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009.

Chịu tổn thất nặng nề nhất là cổ phiếu của hãng khai thác kim cương Alrosa, với mức giảm 9,4%. Tiếp đến là hãng năng lượng MOESK sụt 6,7%, hãng hàng không Aeroflot cũng mất 7,5%.

“Các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài đang bỏ phiếu bằng chân của mình – và chạy khỏi Nga”, Timothy Ash, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của ngân hàng Standard Bank khẳng định trong một thông báo. “Cuộc khủng hoảng này không nghi ngờ gì sẽ thay đổi cảm nhận rủi ro về thị trường Nga một cách tiêu cực, và những ý niệm đó sẽ khó có thể thay đổi, do đó sẽ gây thiệt hại lâu dài cho nước này”.

130 tỷ USD sẽ rời bỏ Nga

Đợt sụt giảm trên diễn ra sau khi ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ ước tính lượng vốn đầu tư tháo chạy khỏi Nga tính từ đầu năm nay đã ở mức 45 tỷ USD, tăng 60% so với quý 1/2013.

Thời điểm trưng cầu dân ý 16/3 càng tới gần, thị trường càng lo lắng
Thời điểm trưng cầu dân ý 16/3 càng tới gần, thị trường càng lo lắng

Trong một nhận định về thị trường Nga được công bố ngày thứ Sáu, ngân hàng này cảnh báo luồng vốn tháo chạy sẽ lên tới 130 tỷ USD vào cuối năm nay.

Trước đó Goldman cũng cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP của Nga sẽ chỉ còn 1% so với dự báo khoảng 3% trong năm nay, với khẳng định các hoạt động kinh tế có khả năng “bị ảnh hưởng mạnh” bởi căng thẳng chính trị hiện tại.

“Cơ chế truyền dẫn chính theo chúng tôi sẽ là thông qua một cú sốc với niềm tin nội địa, dẫn tới hoạt động đầu tư thấp hơn, chu trình bán tháo tiếp tục và luồng vốn tháo chạy sẽ tăng lên”, các nhà phân tích của Goldman khẳng định. “Đến lượt nó, những việc này sẽ dẫn tới tình trạng thắt chặt của thị trường tài chính trong nước. Nhưng những bất chắc liên quan tới dự báo của chúng tôi chắc chắn là lớn”.

Kể từ đầu năm 2014 – khi các cuộc biểu tình bạo lực dẫn tới việc Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ và phải rời bỏ Ukraine và Nga điều quân tới vùng Crimea – chỉ số MICEX đã giảm 18,5%.

Mối lo lắng của các nhà đầu tư hiện nay tập trung vào cuộc bỏ phiếu ngày Chủ nhật, thời điểm người Crimea sẽ quyết định có tiếp tục là một phần của Ukraine hay không. Hiện kết quả được nhận định hầu như chắc chắn họ sẽ từ chối sự quản lý của Ukraine, trong khi các quan chức tại Kiev, Washington và châu Âu gọi cuộc bỏ phiếu sắp diễn ra là phi pháp.

Căng thẳng thật sự sẽ phụ thuộc vào việc liệu Nga có thực thi kết quả trưng cầu dân ý bằng hành động quân sự, hoặc ngay lập tức sáp nhập Crimea hay không.

Ngoài vấn đề địa chính trị, cổ phiếu tại Nga những ngày qua cũng chịu tác động tiêu cực do tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, vốn khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn với các tài sản rủi ro, mà đổ vốn vào các “vịnh tránh bão” như vàng, khiến giá kim loại quý này lên mức cao nhất 6 tháng qua.

Căng thẳng leo thang cũng khiến đồng rúp Nga bị tổn thương. Trong ngày 14/3, đồng tiền này đã mất giá 0,2% so với USD, khiến mức mất giá chung tính từ đầu năm lên mức 11%.

Kịch bản nào cho kinh tế Nga?

Theo nhận định của ngân hàng Morgan Stanley “dù chúng tôi kỳ vọng sự hạ nhiệt cuối cùng cũng diễn ra, trong ngắn hạn, các lệnh cấm vận có thể diễn ra, cho dù chúng tôi tin rằng tác động là có thể kiểm soát được”. Theo đó, những kịch bản sắp tới sẽ là:

“Sau trưng cầu dân ý, Nga sẽ sáp nhập Crimea. Tiếp đó Moscow sẽ can thiệp vào Ukraine, vượt khỏi biên giới Crimea, hoặc đạt được một thỏa thuận với Ukraine. Trong khi Crimea và Nga tiếp tục thực hiện việc sáp nhập mà không tham gia các nỗ lực ngoại giao, chúng tôi cho rằng các lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản sẽ được thực thi”, Morgan Stanley viết tiếp.

“Nếu Nga sau đó vẫn sáp nhập Crimea hoặc can thiệp sâu hơn vào Ukraine, chúng tôi cho rằng các lệnh cấm vận tài chính và thương mại rộng lớn hơn sẽ được thực thi.

Trong ngắn hạn, dự trữ ngoại hối lớn của Nga sẽ hạn chế được tác động của các lệnh cấm vận. Trong dài hạn, các lệnh cấm vận sẽ khiến tăng trưởng của Nga chậm lại, do các nguồn vốn sẽ có lãi suất cao hơn và khan hiếm hơn, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế sẽ tăng lên, trong khi những căng thẳng về an ninh lớn hơn có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu”.

Thanh Tùng
Tổng hợp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước